Saturday, July 12, 2008


Thư ngỏ gửi Thủ Tướng Việt Nam.

Nguyễn Anh

Thưa ngài Thủ tướng,

Tôi là một công dân của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, gốc Việt Nam Cộng Hòa. Tôi cũng xin nói rõ sau 5 năm “cải tạo” ở Việt Nam, tôi đã vượt thoát ra khỏi trại tù – địa ngục trần gian, sau đấy vượt biển và định cư ở Mỹ nên chưa bao giờ là công dân của cái gọi là Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Tôi viết bức thư này gửi đến ngài để đáp lại lời kêu gọi của ngài nhân dịp ngài công du sang Hoa Kỳ, đại ý là mọi người (người Việt hải ngoại) hãy gác lại quá khứ (theo thiển ý có nghĩa ngài sẽ bàn lại vấn đề này trong tương lai khi có dịp thuận tiện) để cùng nhau xây dựng quê hương yêu dấu Việt Nam.



Thưa ngài, chúng tôi đã gác lại quá khứ ngay ngày các ông kêu gọi chúng tôi ra trình diện, nhưng chúng tôi đã bị lừa một cách rất đốn mạt.
Các ông tự vỗ ngực là kẻ chiến thắng mà phải dùng đến kế hạ sách để bắt những người bại trận như chúng tôi vào tù, hành hạ cho đến thân tàn ma dại. Có nhiều người đã lê lết hàng chục trại tù suốt từ Nam ra Bắc ròng rã 18, 20 năm, gần chết mới được thả khỏi nhà tù nhỏ để tiếp tục sống trong nhà tù lớn dưới sự quản thúc của công an địa phương, cửa nhà tài sản bị tịch thu…
Quá khứ này cũng đã đóng lại, những anh em này đa số đã sang định cư ở các nước tự do. Tôi tin rằng chẳng còn ai mang mối hân thù nào cả, lý do rất đơn giản vì họ đang sống tự do no ấm và hạnh phúc, chắc chắn chẳng ai muốn nghĩ lại quá khứ đau buồn ấy nữa, nó không giúp gì cho hạnh phúc họ đang có trong tay.
Nếu thật tâm ngài muốn những người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới và kể cả tại quê hương gác lại quá khứ, quên hận thù thì tôi xin đề nghị với ngài vài điều sau:



Trong nước Việt Nam
– Hủy bỏ ngay điều 4 trong Hiến Pháp Cộng hòa XHCN Việt Nam hiện hành.
– Chính ngài, nhân danh đảng Cộng sản Việt Nam lên tiếng chính thức xin lỗi toàn dân – kể từ ngày ông Hồ Chí Minh mang cái chủ nghĩa vô nhân tính vào đất nước – đã bức hại, tước đoạt sinh mạng, tài sản của họ và đã gây biết bao đau thương hờn tủi cho thân nhân giòng tộc của họ. Ngài sẽ phải thực hiện chính sách bồi thường thích đáng cho những nạn nhân hoặc cho thân nhân của họ.
– Trả lại mọi tài sản, bất động sản cho người dân mà nhà nước, cán bộ đã sang đoạt, cưỡng chiếm dưới mọi hình thức.
– Bỏ hẳn chế độ hộ khẩu.
– Mọi phúc lợi xã hội của người dân phải được tôn trọng bình đẳng, không ưu đãi cho bè đảng
–Tôn trọng và lắng nghe những ý kiến của những người bất đồng chính kiến, bàn thảo trên cơ sở bình đẳng. Phóng thích tất cả những nhân vật bất đồng chính kiến, các phóng viên, nhà văn đối kháng đang còn bị giam giữ vô điều kiện.
– Trả lại quyền tự do ngôn luận cho các cơ quan truyền thông báo chí tư nhân, giải tán các cơ quan nhà nước đang hướng dẫn, kiểm soát báo chí và các văn hóa phẩm.
– Phục hồi và cho phép các tôn giáo chính thống nằm ngoài hệ thống của Mặt Trận Tổ Quốc được sinh hoạt lại bình thường. Trả lại mọi tài sản, bất động sản mà nhà nước đã tich thu, trưng thu hoặc bồi thường thỏa đáng cho các Giáo Hội này ngay lập tức. Thu hồi lại mọi lệnh quản thúc đối với các tu sĩ, cư sĩ, giáo dân các tôn giáo này.
– Chấp nhận các đảng phái đối lập, bình đẳng trong mọi hoạt động chính trị.
– Cho phép tự do lập nghiệp đoàn công nhân để họ bảo vệ quyền lợi và tiếng nói bình đẳng trước giới chủ.
– Tu bổ, sửa sang lại các mộ phần của anh em tử sĩ Việt Nam Cộng hòa trong trận chiến vừa qua bị phá hủy hay hư hỏng, đổ nát.
– Đối xử với những anh em chiến hữu của chúng tôi như những người anh em trong cùng đại gia đình dân tộc, xóa bỏ những tỵ hiềm, đối xử phân biệt. Giúp các thương phế binh Việt Nam Cộng hòa những phương tiện cần thiết để họ có thể sống một đời sống yên bình hạnh phúc.
Sau khi ngài đã thực hiện những điều đã được liệt kê ở trên, lúc đó mới có thể tạo được sự tin đồng cho những người Việt hải ngoại. Bởi vì, nếu ngài và đảng Cộng sản chưa hòa giải được với người dân trong nước thì ngài cũng không thể hòa giải với bất cứ ai, nhất là với những người một thời đã từng đứng bên kia chiến tuyến với Cộng sản Việt Nam.
Người ta chỉ có thể tha thứ, chứ không một người bình thường nào có thể xóa bỏ, tẩy não được những kỷ niệm trong ký ức, nhất là những quá khứ đau buồn, uất ức.

Đối với người Việt hải ngoại.
Đã hơn 3 thập niên qua, non sông gấm vóc của tổ tiên chúng ta đã tốn không biết bao xương máu để lại cho chúng ta đến ngày nay vẫn luôn nghèo đói, suy nhược. Chính các ông – những người Cộng sản đã không làm điều gì vẻ vang hơn cho quê hương xứ sở, mà còn làm mất đi đất, biển, đảo của đất nước, mất luôn cả tính độc lập và tự quyết dân tộc, thui chột cả lòng yêu nước của thanh niên – rường cột quốc gia.
– Ngài hãy tự hỏi, sau năm 1975, tại sao bao nhiêu nhân lực nòng cốt nhất của miền Nam và có lẽ là của cả nước Việt Nam trong giai đoạn đó lại liều chết trốn chạy ra ngoại quốc? Lịch sử Việt Nam đã xảy ra hiện tượng này bao giờ chưa?
Chắc hẳn, hơn ai hết, ngài đã có câu trả lời. Bởi vì nếu không thì ngài đã chẳng kêu gọi người Việt hải ngoại gác lại quá khứ, trở về xây dựng lại quê hương.
Chắc chắn người Việt Nam ở nước ngoài phải có những giá trị nào đó rất cần thiết cho đất nước. Chẳng lẽ ngài vẫn áp dụng kiểu cách của 33 năm trước: kêu gọi các sĩ quan, đảng phái, công chức, cán bộ mang theo 10 ngày lương thực đi học rồi thành 10 năm, 20 năm, có người không bao giờ còn cơ hội gặp mặt vợ con, cha mẹ, anh em, bằng hữu nữa kể từ sau ngày họ đi trình diện.
– Đã từng có những vụ vu oan, giáng họa cho những thương gia từ Pháp, Hòa Lan, Mỹ… về Việt Nam. Bao nhiêu người lọt lưới của nhà cầm quyền, thân vào tù, tiền của bị cướp sạch, bao nhiêu trí thức bị chụp mũ khủng bố, bôi nhọ thanh danh rồi tống vào tù chỉ vì họ đã yêu quê hương khác với Cộng sản Việt Nam.
Chúng tôi chỉ thực sự về với quê hương bằng tất cả tấm lòng, tất cả sức lực, tất cả tài năng, tất cả của cải khi mà chúng tôi biết chắc rằng Tổ quốc này của chúng tôi, của những người dân Việt Nam chân chính, không phải là của riêng đảng Cộng sản và lại càng không phải yêu quê hương là phải yêu Chủ nghĩa xã hội.
– Ngài đừng bao giờ nghĩ rằng ngời Việt hải ngoại thù hận quê hương, hay mặc cảm thua trận, như bà Tôn Nữ Thị Ninh đã nói khi sang Mỹ dụ dỗ “Việt kiều”. Thử hỏi, một cộng đồng sung túc, có trình độ học vấn, tự do, dân chủ, hạnh phúc thực sự tại sao lại mang mặc cảm với kẻ thiếu thốn hơn mình, thưa ngài Thủ Tướng?
Ngài muốn chúng tôi gác lại quá khứ, thì chúng tôi đã gác lại từ lâu rồi, chúng tôi đã có rất nhiều điều để chứng tỏ thiện trí này. Bằng chứng là đã có các phái đoàn thiện nguyện, các trợ giúp khi đồng bào bị thiên tai; hàng trăm ngàn người và nước thăm gia đình thân nhân, giúp đỡ bạn bè, anh em hoạn nạn bất kể là Quốc hay Cộng. Kể từ thời “mở cửa”, số tiền của người Việt sinh sống khắp nơi gửi về đã góp phần quan trọng vực Việt Nam đứng dậy, thoát cơn hiểm nghèo sau những năm cả nước ăn bo bo.
Đăc biệt phải kể đến một số trí thức thuộc chính thể Việt Nam Cộng hòa ngày xưa đã về nước trực tiếp giúp cho nhà cầm quyền trong nhiều lãnh vực chuyên môn như giáo dục, tài chánh kinh tế, tái thiết đô thị… Những điều này ngài Thủ Tướng không thể không biết, và có lẽ ngài là người biết rõ nhất.
– Chỉ riêng nhà cầm quyền và đảng Cộng sản là chưa chứng tỏ một thiện chí nào với người Việt hải ngoại. Ngoài những mỹ từ như “khúc ruột ngàn dặm, một bộ phận không thể tách rời của dân tộc…” ra, thì trên thực tế, cách hành xử, chính sách nào chứng minh là nhà nước đã gác lại quá khứ?
Để lời nói và việc làm của ngài đi đôi với nhau, đề nghị ngài cho viết lại chương trình giáo khoa về lịch sử Việt Nam từ thời cận đại cho đúng, trả lại danh dự cho tất cả quân, dân, cán, chính của Việt Nam Cộng hòa và ngưng ngay sự độc quyền điều hành đất nước.
– Chúng tôi tuyệt đối không bao giờ cộng tác hay hòa giải với những tên ngược đãi dồng bào của mình và bán đất bán biển, đảo cho ngoại bang, cụ thể là Trung cộng.
Mọi người dân Việt Nam đều được quyền biểu lộ tình cảm yêu nước của mình, phục vụ cho quyền lợi tối thượng của Tổ quốc, của nhân dân, không phải chỉ có Cộng sản Việt Nam mới được độc quyền yêu nước, và yêu nước phải là không bao giờ nhượng một tấc đất nào cho ngoại bang cả!
– Hãy để cho văn hóa phẩm, báo chí của người Việt khắp nơi trên thế giới được lưu hành tự do tại VN. Không được quấy nhiễu những người cổ võ cho dân chủ, tự do, đa nguyên đa đảng từ ngoại quốc về và kể cả người trong nước. Lắng nghe những người chỉ trích và thực tâm sửa chữa, nếu điều đó có ích cho dân, cho nước.
– Ngưng ngay những hoạt động ly gián, chụp mũ, bôi nhọ cá nhân, cộng đồng của những cán bộ Cộng sản nằm vùng.
Tôi vừa trình bày sơ lược một vài điểm quan trong cần làm ngay, thể theo lời kêu gọi của ngài. Bản chất chung của người Việt Nam là thông minh, cầu tiến, chăm chỉ, cần cù, hiền hòa, chất phác, lương thiện, hiếu khách, chỉ riêng các ông, những người Cộng sản là vẫn mang tâm lừa lọc, hận thù, chia cắt, độc đoán tham lam và thiển cận.
Ba mươi ba năm qua, người Việt hải ngoại vẫn thờ ơ với nhà cầm quyền Việt Nam vì chính nhà cầm quyền không thực tâm thay đổi, chính các ông không thực tâm hòa giải, không hòa giải thì không hòa hợp, không hòa hợp được thì cũng không bao giờ gác lại quá khứ. Nhiều người Việt đang sinh sống ở khắp nơi vẫn không tin được các ông, nên họ không cộng tác.
Rất thành tâm giãi bày những suy nghĩ của tôi đến ngài. Đây cũng là tâm sự khá phổ quát của nhiều người Việt ở khắp nơi, ít nhất là với những bằng hữu, chiến hữu của cá nhân tôi. Thiết nghĩ ngài nên quan tâm đến những điều trên, nếu quả thật ngài muốn trở thành một nhân vật thay đổi lịch sử Việt Nam sau thời hậu chiến, một vị anh hùng thật sự của nhiều người dân Việt Nam ở khắp mọi nơi trên hành tinh này.
Kính chúc ngài cùng quý quyến nhiều sức khỏe, thân tâm thường an lạc.

Trân trọng.

Thursday, July 3, 2008

De nho Ca phe Saigon nam xua

Saigon - Quán Cà Phê Và Tuổi Lang Thang
Tác giả: Nguyễn Mạnh An Dân


Anh em nào có ở Đại Học Xá Minh Mạng những năm 1966-67, đã từng lê la ngồi ngắm đất trời ở Ngã Sáu Chợ Lớn, chỗ quán cóc ngay góc đường Minh Mạng và Nguyễn Tri Phương, từng ít nhiều là thân chủ có ký sổ dài hạn với chú Tàu con phì lũ, xin nhận một lời nhắn, "Hồi đổi đời mấy anh tứ tán muôn phương hết, ba bốn cuốn sổ đầy những con số em không lấy được đồng nào nhưng em không buồn. Nhớ lại những ngày vui cũ mà rầu thúi ruột. Ước gì có được không khí hồi đó, con người hồi đó. Mấy anh đi ra đi vào, hớn hở kể chuyện tán đào, rầu rĩ ôm gối thất tình, nồng nhiệt tính chuyện lấp biển dời sông, bàn tán tính đường trốn lính, cái gì cũng ồn ào bộc trực, thoải mái tự nhiên, không màu mè rào đón, không kiểu cách đóng trò gì cả, sống đã thiệt. Vui kiểu đó em bán cà phê cho mấy anh ký sổ hoài cũng được."

Đầu năm 1980, giữa rừng già Bình Long tôi đã tình cờ gặp lại người chủ, người bạn nhỏ này. Tôi là tù cải tạo, bạn khổ sai kinh tế mới, cả hai đều thảm như nhau nhưng đều có chút rộn ràng nhịp thở khi nhắc lại những chuyện mới đó nhưng như đã lâu lắm rồi. Người bạn nhỏ đã nói với tôi những lời ấm áp, không nguyên văn thì cũng đúng ý như đã ghi ở trên và tôi muốn gởi những lời này đến các bạn như một kỷ niệm chung và tôi cũng muốn mượn dịp này để nói về cà phê Sài Gòn, ngày đó.

Bạn đã uống cà phê nhiều, bạn biết mà, muốn pha một ly cà phê tuyệt vời đâu có khó: cà phê sẽ loãng nước nhưng đậm mùi thơm, cà phê Mít đặc quánh mà vô vị, hãy chọn một tỷ lệ pha trộn thích hợp là đã đi được 70% đoạn đường rồi. Muốn kẹo thêm nữa hã? Muốn hưởng cái cảm giác chát chát, tê tê đầu lưởi phải không? Dễ mà, thêm vào chút xác cau khô là xong ngay. Bạn muốn có vị Rhum, thì Rhum. Bạn thích cái béo béo, thơm thơm của bơ, cứ bỏ chút Bretain vào. Bạn hỏi tôi nước mắm nhỉ để làm gì à? Chà, khó quá đi, nói làm sao cho chính xác đây! Thì để cho nó đậm đà. Đậm làm sao? Tôi không biết, không tả được, mời bạn hãy thử và tự cảm lấy. Bạn đòi phải có tách sứ, thìa bạc. Bạn nói phải nghe nhạc tiền chiến, phải hút Capstan mới đã đời, thú vị phải không? Thì đó, bạn đã có đủ hết những gì bạn cần sao không tự pha ra mà uống, lại cứ đòi đi uống cà phê tiệm, dị hợm không?

Nói vậy chứ tôi biết, tôi không trách bạn đâu. Cà phê ngon chỉ mới được một nửa, nhưng chúng ta đâu chỉ cần uống cà phê, chúng ta còn ghiền "uống" con người cà phê. "Uống" không khí và cảnh sắc cà phê. "Uống" câu chuyện quanh bàn cà phê và nhiều thứ nữa. Vậy thì mời bạn đi với tôi, quanh quanh Sài Gòn làm vài ly chơi. Dĩ nhiên là tưởng tượng, cả bạn và tôi đều biết, đã xa rồi, biền biệt lắm rồi, ngày đó.





Về ngoại dáng, thực ra không có gì đáng nói ngoài cái vẻ xuề xòa, bình dị, tạo cảm giác ấm cúng, thân tình và gần gũi. Tuy nhiên, nếu ngồi lâu ở đó bạn sẽ cảm được, sẽ nhận ra những nét rất riêng, rất đặc biệt khiến bạn sẽ ghiền đến và thích trở lại. Hồi đó nhạc Trịnh Công Sơn, đặc biệt là loại nhạc "mệt mỏi" cỡ như "Đại Bác Đêm Đêm..." hay "Đàn Bò Vào Thành Phố..." đã trở thành một cái "mốt," một cơn dịch truyền lan khắp nơi, đậu lại trên môi mọi người, đọng lại trong lòng mỗi người, nói rõ ra là chỉ hát loại nhạc này và những người khách đến quán, những thanh niên xốc xếch một chút, "bụi" một chút, đã vừa uống cà phê vừa uống cái rã rời trong giọng hát của Khánh Ly. (HÌNH ẢNH: 3030 Vision).

Tôi xin bắt đầu từ giữa thập niên 60, những năm đầu tôi sống ở Sài Gòn và cũng là giai đoạn đất nước thực sự có những trở mình to tát. Những cơn lốc kinh hồn. Những bùng vỡ vượt mọi giới hạn. Những xô đẩy, mời gọi đầy lôi cuốn và cũng nhiều cạm bẩy.

Niềm vui và nỗi hy vọng về một vận hội mới sau biến cố năm 1963 qua nhanh theo với sự yểu tử tất yếu của những người đã nhân danh một cuộc cách mạng, nhưng là thứ cách mạng nửa vời, có khả năng đả phá nhưng lại thiếu bản lãnh và tâm lực để xây dựng, kiến tạo; rồi chỉnh lý, tái chỉnh lý. Chính quyền quân nhân. Chính quyền dân sự. Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc ở Huế và các tỉnh miền Trung. Phong Trào Nhân Dân Tự Quyết ở Đà Nẵng. Phật Giáo đưa bàn thờ xuống đường. Thiên Chúa Giáo biểu dương lực lượng ở chỗ này chỗ khác. Người Mỹ đổ bộ càng lúc càng đông , theo với nó là các Snack Bars, gái làm tiền và sự phá sản nghiêm trọng của nhiều giá trị luân lý và đạo đức. Chiến trường càng lúc càng khốc liệt, càng áp gần và đã trở thành một nỗi ám ảnh dai dẳng; một cơn ác mộng thường trực. Đủ thứ chiêu bài, đủ thứ lý thuyết mới mẻ và lôi cuốn được nhân danh, được nhắc đến...

Như vậy đó, miền Nam Việt Nam những năm giữa thập niên 60. Như vậy đó, tuổi trẻ Việt Nam lột xác: phải biết lớn ra, phải tự già đi trước tuổi của mình. Những "lưu bút ngày xanh" đành gấp lại. Những mơ mộng hoa bướm tự nó đã thành lỗi nhịp, vô duyên. Tiếng cười dường như ít đi, kém trong trẻo hồn nhiên. Khuôn mặt, dáng vẻ dường như tư lự, trầm lắng hơn và đầu óc không còn, cũng không thể vô tư nhởn nhơ được nữa. Những điếu thuốc đầu tiên trong đời được đốt lên. Những ly cà phê đắng đầu tiên trong đời được nhấp vào và dù muốn hay không, tuổi trẻ đã thực sự bị chi phối, và phải thường xuyên đối diện với những bất hạnh của dân tộc mình. Những thảm kịch của thân phận mình và quán cà phê trở thành cái nơi chốn hẹn hò để dàn trải tâm tư, để trầm lắng suy gẫm. Có một chút bức thiết, thật lòng. Có một chút làm dáng, thời thượng. Thông cảm giùm đi, tập làm người lớn mà.

Những ngày mới vào thủ đô, tôi ở Đại Học Xá Minh Mạng. Đối với một thanh niên tỉnh lẻ mới mẻ và bỡ ngỡ, Sài Gòn lớn lắm, phồn vinh và náo nhiệt lắm. Trong suốt nhiều tuần lễ đầu tiên tôi đã dè dặc khi đi lại và lúc nào cũng lẩm nhẩm câu "thần chú" bạn bè mớm cho: Phan Thanh Giản đi xuống, Phan Đình Phùng đi lên và mườn tượng ra một "lá bùa" như một thứ kim chỉ nam khả dụng. Hai con đường một chiều và ngược nhau như cái xương sống xuyên dọc trung tâm thành phố giúp định hướng, tạo dễ dàng cho việc di chuyển. Dĩ nhiên nếu tính từ đại học xá, Phan Thanh Gian được hiểu như bao gồm cả khúc Minh Mạng nối từ Ngã Bảy đến Ngã Sáu Chợ Lớn và Phan Đình Phùng phải cộng thêm khúc Lý Thái Tổ rẽ phải đến Ngã Bảy hay rẽ trái đến Trần Hoàng Quân để về Ngã Sáu.

Về sau, khi đã khá quen quen, lá bùa được vẽ lớn thêm ra: Từ Phan Thanh Giản , rẽ phải theo Lê Văn Duyệt sẽ đến phố chính Lê Lợi, nhà sách Khai Trí, chợ Bến Thành, rẽ trái lên Hòa Hưng, Bảy Hiền. Từ Phan Thanh Giản rẽ phải ở Hai Bà Trưng sẽ đến bến Bạch Đằng, rẽ trái sẽ qua cầu Kiệu, Ngã Tư Phú Nhận. Cũng từ Phan Thanh Giản rẽ trái ở Đinh Tiên Hoàng sẽ đến rạp Casino Dakao, Lăng Ông Bà Chiểu và hướng ngược lại là trường Văn Khoa. Cứ như thế, cái xe Gobel hai số cọc cạch, nổ bành bạch như máy xay lúa, trung thành như một người bạn thân thiết tha tôi đi khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định.

Những ngày này tôi là khách thường trực của quán cà phê Thu Hương đường Hai Bà Trưng. Quán nằm ở một vị trí đẹp, chiếm ba lô đất ngó chéo qua phía trại hòm Tobia. Nơi đây có một căn phòng hẹp vừa đặc quầy thu tiền, vừa là chỗ ngồi cho những ai thích nghe nhạc với âm thanh lớn, phần còn lại là một sân gạch rộng, có mái che nhưng không ngăn vách, từ trong có thể nhìn rõ ra đường qua những song sắt nhỏ sơn xanh với một giàn hoa giấy phủ rợp. Ngồi đây có thể nghe được văng vẳng tiếng nhạc vọng ra từ bên trong. Cảm được chút riêng tư cách biệt, nhưng đồng thời cũng có thể nhận ra được sức sống bừng lên mỗi sáng, dáng vẻ mệt mỏi, u ám mỗi chiều đang lặng lờ chảy qua trên đường phía ngoài.

Chủ quán ở đây là một người đặc biệt: Khó chịu một cách dễ thương. Hình như với ông, bán cà phê chỉ như một cách tiêu khiển và pha cà phê là một nghệ thuật kỳ thú. Ông hãnh diện với tên tuổi của Thu Hương và muốn bảo vệ nó. Bạn là khách uống cà phê phải không? Xin cứ ngồi yên đó, việc của bạn là uống vậy thì đừng táy máy đụng vào làm hư cà phê của tôi. Cà phê được bưng tới, ông chủ sẽ ngồi đâu đó quan sát và chờ. Yên tâm đi, đừng nôn nóng gì cả, bạn sẽ có cà phê ngon để uống mà. Ông chủ sẽ xuất hiện đúng lúc cạn phin, sẽ bỏ đường cho bạn, khuấy đều cho bạn và sẽ lịch sự "xin mời" khi mọi việc hoàn tất. Ly cà phê như vậy mới là cà phê Thu Hương. Đó là cung cách của Thu Hương, đặc điểm của Thu Hương. Nhiều người mới đến lần đầu không biết, cà phê bưng tới là tự lo liệu cho mình đều bị chỉnh ngay: Ông nôn nóng mở phin lỏng như vậy nước chảy ào ào còn gì là Thu Hương! Ông bỏ đường ngọt như ăn chè vậy còn gì là Thu Hương! Ông klhuấy cốp cốp kiểu đó cà phê sẽ chua lét là ông giết Thu Hương rồi! "Thằng cha" này rắc rối thật nhưng là sự rắc rối có thể hiểu được, thông cảm được miễn là cà phê ngon. Mà cà phê Thu Hương ngon thiệt, ngon lắm.

Trong lãnh vực kinh doanh quán cà phê, có người dùng âm thanh. Có người dùng ánh sáng và trang trí. Có người nhờ sự duyên dáng của tiếp viên. Có người dùng phẩm chất của cà phê để hấp dẫn khách. Ông chủ Thu Hương đã chọn cách cuối cùng, cách khó nhất và ông đã thành công.

Khách đến với Thu Hương là ai? Nhiều lắm, có thể họ từ bên trường Luật qua, từ dưới Văn Khoa, Dược, Nông Lâm Súc lên. Từ Trung Tâm Văn Hóa Pháp, Hội Việt Mỹ lại. Từ Huỳnh Thị Ngà, Nguyễn Công Trứ, Vương Gia Cần, Võ Trường Toản, Thư Viện Quốc Gia tới, quanh quanh khu Tân Định, Dakao cả mà. Cũng có người từ xa hẹn nhau đến nhưng dù từ đâu họ đều có điểm giống nhau là tất cả đều trẻ và đều có vẻ "chữ nghĩa"lắm, "ông" nào "bà" nào cũng tha tập cours quằn tay, cọng với nào là "Hố Thẳm Tư Tưởng" của Phạm Công Thiện, Cho Cây Rừng Còn Xanh Lâu của Nguyễn Ngọc Lan, Nói Với Tuổi 20 của Nhất Hạnh, v.v

Ở Thu Hương dĩ nhiên là có thể "uống ly chanh đường, uống môi em ngọt" hay nhiều thứ giải khát khác. Tuy nhiên, phần lớn là nhâm nhi ly cà phê. Thu Hương nổi tiếng như vậy. Ông chủ điệu như vậy, dù rành hay không cũng phải ráng tỏ ra sành điệu với người ta chứ! Lại còn phải cố bậm môi kéo Basto xanh cho có vẻ phong trần. Cứ như thế mà trầm ngâm suy tư, rì rào tâm sự; đốt bao tử, đốt phổi và đốt thời gian. Nghĩ lại thật phí phạm và đáng tiếc nhưng hồi đó thì không thấy như thế. Phải như vậy chứ sao! Thời chiến mà, buổi nhiễu nhương mà!

Ngày đó tôi thường ngồi Thu Hương với VCT, một người bạn đang học năm cuối ở trường Y Khoa, anh là người rất mê giáo sư Trần Ngọc Ninh, coi ông là một nghệ sĩ tài hoa, một tay dao bậc thầy trong ngành giải phẩu và vẫn thường say sưa kể việc thầy Ninh có thể cầm lưỡi dao lam khẻ vào tập giấy quấn thuốc và cho biết trước là sẽ rạch đúng mấy tờ. Bạn tôi đúng là người trời sinh ra để làm thầy thuốc, anh muốn xoa dịu mọi khổ đau và không chịu được những điều tàn nhẫn, thô bạo.

Hồi sinh viên LKSN té lầu chết ở trường Y Khoa, báo đăng nói là tai nạn nhưng không biết từ đâu bạn tôi khẳng định đây là một vụ ám sát, thanh toán lẫn nhau và anh đau đớn, tức giận lắm. Người với người, chả lẽ không còn cách nào để có thể đối với nhau phải chăng hơn hay sao? Câu hỏi này theo anh rất lâu. Anh ra trường, làm y sĩ tiền tuyến, ở lại với thương bệnh binh ngày thành phố di tản và vào tù. Đến lúc này anh đã có câu trả lời cho điều ám ảnh nhiều năm trước: Không phải không có cách mà là dường như người ta không cần và cũng không muốn phải chăng với nhau. Đau thật, nỗi đau quặn thắt tim gan.

Bạn thường ăn phở gà Hiền Vương, phở Pasteur. Bạn thường đi qua đi lại liếc liếc mấy bộ đồ cưới đẹp ở nhà may Thiết Lập, vậy bạn có biết Cà Phê Hồng ở đâu không? Thì đó chứ đâu, gần nhà may Thiết Lập, cách vài căn về phía đường Nguyễn Đình Chiểu, ngó chéo qua mấy cây cổ thụ ở bờ rào Trung Tâm Thực Nghiệm Y Khoa (Viện Pasteur). Tôi phải hỏi vì tôi biết có thể bạn không để ý. Quán nhỏ xíu hà, với lại cái tên Hồng không biết do ai đặt, gọi riết thành quen chứ thực sự dường như quán không có bản hiệu, và tiền diện của nó trông ủ ê cũ kỹ lắm chứ không sơn phết hoa hòe, đèn treo hoa kết gì cả. Từ ngoài nhìn vào, quán như mọi ngôi nhà bình thường khác, với một cái cữa sổ lúc nào cũng đóng và một cánh cửa ra vào nhỏ, loại sắt cuộn kéo qua kéo lại.

Quán hẹp và sâu, với một cái quầy cong cong, đánh verni màu vàng sậm, trên mặt có để một ngọn đèn ngủ chân thấp, với cái chụp to có vẽ hình hai thiếu nữ đội nón lá, một bình hoa tươi, một con thỏ nhồi bông và một cái cắm viết bằng thủy tinh màu tím than. Phía sau, lúc nào cũng thấp thoáng một mái tóc dài, đen tuyền, óng ả, vừa như lãng mạng phô bày vừa như thẹn thùng, che dấu.

Cà Phê Hồng, về ngoại dáng, thực ra không có gì đáng nói ngoài cái vẻ xuề xòa, bình dị, tạo cảm giác ấm cúng, thân tình và gần gũi. Tuy nhiên, nếu ngồi lâu ở đó bạn sẽ cảm được, sẽ nhận ra những nét rất riêng, rất đặc biệt khiến bạn sẽ ghiền đến và thích trở lại. Hồi đó nhạc Trịnh Công Sơn, đặc biệt là loại nhạc "mệt mỏi" cở như "Đại Bác Đêm Đêm..." hay "Đàn Bò Vào Thành Phố..." đã trở thành một cái "mốt," một cơn dịch truyền lan khắp nơi, đậu lại trên môi mọi người, đọng lại trong lòng mỗi người. Cà Phê Hồng đã tận dụng tối đa, nói rõ ra là chỉ hát loại nhạc này và những người khách đến quán, những thanh niên xốc xếch một chút, "bụi" một chút, đã vừa uống cà phê vừa uống cái rã rời trong giọng hát của Khánh Ly.

Đến Hồng không chỉ có nghe nhạc về quê hương, chiến tranh và thân phận. Ở đây còn có thể đọc về những điều đó. Không hiểu do sáng kiến của các cô chủ, muốn tạo cho quán một không khí văn nghệ, một bộ mặt trí thức hay do tình thân và sự quen biết với các tác giả mà ở Cà Phê Hồng lâu lâu lại có giới thiệu và bày bán các sách mới xuất bản, phần lớn là của hai nhà Trình Bày và Thái Độ và của các tác giả được coi là dấn thân, tiến bộ.

Hồi Nguyễn Đăng Trừng chuẩn bị ứng cử vào Tổng Hội Sinh Viên, ban tham mưu của anh ta thường gặp nhau ở Cà Phê Hồng và khi Trừng thành chủ tịch, Đặng Tấn Tới phụ trách tờ Nội San Sinh Viên, mặc dù lúc đó đã có trụ sở ở số 4 Duy Tân, rất nhiều anh em cũng vẫn thường kéo nhau đến Cà Phê Hồng. Những ai hồi đó nhỉ? Đông lắm và vui lắm, vui và có ý nghĩa vì dường như tất cả đều muốn làm một điều gì. Tôi nói dường như bởi vì, nhiều năm sau thực tế đã chứng minh là không phải chỉ có những người đến với phong trào sinh viên vì nhiệt huyết và lý tưởng, muốn một miền Nam tốt hơn, muốn bảo vệ hữu hiệu và xây dựng đất nước hoàn hảo hơn mà còn một số khác, dù không nhiều, đến với chủ tâm lợi dụng, coi phong trào như một cơ hội để phục vụ cho những ý đồ đen tối mà họ đang theo đuổi.

Say này, khi đã đắc thời, người Cộng Sản vẫn thường hãnh diện nhắc đến phong trào sinh viên, coi đó như là sản phẩm của họ. Ai cũng biết là không phải như vậy. Thật tội nghiệp cho những người cứ phải giả vờ như không biết. Cứ phải ra rả như cái máy lặp đi lặp lại những điều mà chính họ cũng biết là không có thật.

Tôi đã đi quá xa rồi phải không? Xin lỗi, cho tôi được mượn cơ hội này để nói về tuổi trẻ của chúng ta một chút, tôi đang trở lại với Cà Phê Hồng đây. Hồng là ai? Tôi không biết, quán có ba cô chủ, ba chị em. Người lớn nhất trên hai mươi và người nhỏ nhất mười lăm, mười sáu gì đó, Nói thật lòng, cả ba cô đều chung chung, không khuynh quốc khuynh thành gì nhưng tất cả cùng có những đặc điểm rất dễ làm xốn xan lòng người: Cả ba đều có mái tóc rất dài, bàn tay rất đẹp và đều ít nói, ít cười. Cái kiểu ít nói ít cười làm chết người ta. Còn cái dáng đi nữa, bạn còn nhớ không? Làm ơn nhắc giùm để tôi tả cho chính xác đi, khó quá. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có những lời hát khó giải thích nhưng dễ cảm nhận như "vết lăn, vết lăn trầm" hay "vết chim di" gì đó có lẽ có thể mượn để hình dung ra dáng đi của mấy cô chủ Cà Phê Hồng. Nó nhẹ lắm, êm ái thước tha lắm và cũng lặng lờ khép kín lắm. Chính cái vẻ lặng lờ vừa như nhu lệ thẹn thùng, vừa như kênh kiệu kêu sa, vừa lãng đãng liêu trai đó đã làm khổ nhiều trái tim trai trẻ lắm, rất nhiều.

Giữa những năm 80, sau nhiều năm bầm dập ở nhiều trại giam khác nhau, tôi về lại Sài Gòn và có nhiều lần đi qua đi lại ở đường Pasteur. Cà Phê Hồng không còn, dãy phố nhỏ buồn thiu, im lìm và trống vắng như nét ảm đạm chung của toàn thành phố một thời rộn rã của chúng ta. Đối diện nơi quán cũ, gần cuối bờ thành viện Pasteur là một bãi rác khổng lồ, ruồi nhặn đen gật và mùi hôi thối nồng nặc, trùm tỏa. Ở đó, hàng trăm ông lão bà cụ. Hàng trăm trẻ em trai gái tranh nhau giành giật, đào móc từng chút sắt vụn, từng mảnh nhỏ nylon.





Hình bìa băng nhạc Ca Dao Mẹ của Khánh Ly lúc thâu băng tại Nhật Bản năm 1970. Năm xưa, tiếng hát Khánh Ly đã được hâm mộ tại Saigon qua những ca khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn. Vào quán uống cà phê, trầm ngâm qua khói thuốc, thì... không thể không lắng nghe tiếng hát Khánh Ly với Mưa Hồng, Biển Nhớ, Cát Bụi, Tình Xa, v.v. (HÌNH ẢNH: VNCTLS sưu tầm).

Tôi đã thường đứng lại rất lâu, nhìn cảnh não lòng này và tự hỏi: Những người đã có thời ngồi đây mơ ước và hy vọng giờ đâu cả rồi? Anh em ta có bao giờ tự thấy là dường như mình đã đắc tội, đã phụ lòng, đã không làm hết, đã không cố gắng đủ để bảo vệ cho những gì cần bảo vệ, giữ gìn hay không? Và những người bên kia, có bao giờ nghĩ lại và tự hỏi họ đã nổ lực để đạt đến điều gì? có xứng đáng cà cần thiết không? Còn chị em cô Hồng: những nhỏ nhẹ tiểu thư, những thon thả tay ngà, những uyển chuyển "chim di" giờ mờ mịt phương nào? Ai có thể trả lời được về số phận của những con người nhỏ nhoi trong nổi tan tác chung của cả một dân tộc!

Viện Đại Học Vạn Hạnh mở cữa muộn màng nhưng ngay từ những năm đầu tiên nó đã thừa hưởng được những thuận lợi to lớn về tâm lý: Hào quang của phong trào Phật giáo đấu tranh từ nhiều năm dồn lại, cùng với những tên tuổi chính trị Trí Quang, Thiện Minh, Huyền Quang, Hộ Giác... những cổ thụ văn hóa Minh Châu, Mãn Giác, Tuệ Sĩ, Trí Siêu, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Tôn Thất Thiện... đã giúp cho Đại Học Vạn Hạnh được nhìn vừa như một cơ sở giáo dục khả tín vừa như một tập hợp của những thành phần trẻ tuổi ý thức và dấn thân nhất.

Ở Sài Gòn, ngoài viện Đại Học Vạn Hạnh và các trường Bồ Đề, Tổng Vụ Giáo Dục và Thanh Niên thuộc Giáo Hội Phật Giáo còn nhiều cơ sở trực thuộc khác như cư xá Quảng Đức ở đường Công Lý, trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội ở chùa Ấn Quang. Nói chung là dân Vạn Hạnh có nhiều chỗ để lui tới, để "dụng võ" lắm. Tuy nhiên, dường như "tổng đàn" của Vạn Hạnh không nằm ở những nơi chốn "thâm nghiêm" này, nó đặt tại một tiện cà phê: Quán Nắng Mới ở dốc cầu, ngó chéo về phía chợ Trương Minh Giảng.

Quán Nắng Mới có nhiều ưu thế để trở thành đất nhà của dân Vạn Hạnh, trước nhất vì gần gũi, kế đến là khung cảnh đẹp, nhạc chọn lọc và cuối cùng, có lẽ quan trọng nhất là sự thấp thoáng của những bóng hồng, có vẻ tha thước, có vẻ chữ nghĩa. Chừng đó là quá đủ, quá đạt để phe ta tụ lại: Các anh chị em thuộc khối Văn Thể Mỹ của thầy Phạm Thế Mỹ tấp vào nói chuyện văn nghệ. Nhóm làm thơ trẻ Nguyễn Lương Vỵ, Võ Chân Cửu lúc đó đang lên và đang chiếm đều đặng nhiều cột thơ trên báo Khởi Hành, ngồi đồng từ sáng đến tối để... làm thơ. Những "chuyên viên xuống đường trong sáng" chụm đầu lại để bàn kế hoạch. Những "chuyên viên lợi dụng xuống đường" cũng chụm đầu lại để bàn quỷ kế và đông hơn cả, ấm áp hơn cả là những nhóm hai người, một tóc dài, một tóc ngắn chờ vào lớp, chờ tan trường và chờ nhau ở Nắng Mới.

Đại Học Vạn Hạnh có một phân khoa mà bên Văn khoa không có: Phân khoa báo chí. Vạn hạnh còn có một lợi thế như là một sự ưu đãi đặc biệt vì nhu cầu giáo dục là phân khoa sư phạm thi tuyển và được tăng một tuổi theo luật động viên. Vì lẽ đó anh em đến với Vạn Hạnh đông lắm. Không khí ở Vạn Hạnh hào hứng và sôi nổi lắm. Mỗi lần có đợt tranh đấu, xuống đường, ngày Vạn Hạnh chạo rạo, đêm Quảng Đức không ngủ, sáng Nắng Mới không có chỗ ngồi. Vạn Hạnh như một lò lửa, một điểm nóng, một trung tâm. Tiếc thay đàng sau những nhiệt tình trong sáng, những lý tưởng vô cầu là những bóng đen rình rập, những nanh vuốt hờm sẵn.

Hình như Nắng Mới đã sống với Vạn Hạnh, sống theo Vạn Hạnh cho đến ngày cuối cùng. Nó chứng kiến cảnh Nguyễn Tổng cởi áo thầy tu, đi tiếp thu một trường Trung học. Nguyễn Lương Vỵ bỏ bộ mặt hiền thi sĩ đóng vai mặt lạnh ở phòng giáo dục Phú Nhận. Võ Như Lanh xông xáo từ Thành Đoàn qua báo Tuổi Trẻ. Trần Bá Phương làm chúa một trại giam, gọi đẹp đẽ là hiệu trưởng trường giáo dục lao động và còn nhiều lắm, kẻ thù mai phục và bạn bè bạc bẽo trở cờ. Tất cả thành một bầy kên kên nhởn nhơ trên nỗi khổ của anh em, nỗi đau của cả dân tộc.

Ngày tôi về lại Sài Gòn sau nhiều năm phải xa, cà phê Nắng Mới không còn. Đại học Vạn Hạnh biến thành một cư xá sinh viên, áo thun quần lót treo la liệt từ trên xuống dưới, quang cảnh vừa đìu hiu vừa bát nháo nhìn thấy mà đứt ruột. Nghe nói núi sách của thư viện bị lấy hết, đốt sạch. Thầy Minh Châu dời lên một Phật học viện nhỏ trên đường Võ Di Nguy gần Trung Tâm Tiếp Huyết. Thầy Quảng Độ bị quảng thúc đâu đó tuốt ngoài Bắc. Thi sĩ, thầy Bùi Giáng lang thang ngạo đời ở đầu phố cuối chợ. Không lâu sau đó Đại Đức Tuệ Sĩ, Trí Siêu lần lược bị bắt. Vạn Hạnh không còn gì, thật sự không còn gì. Những con người cũ tứ tán muôn phương. Cái nơi chốn đầy sức sống và niềm tin ngày nào giờ tiêu điều buồn bã như giòng kinh nước đen uể oải dưới chân cầu Trương Minh Giảng.

Mấy năm trước đây tôi có được đọc một bài báo, nội dung của nó cũng thường thường không có gì đặc biệt lắm. Tuy nhiên bài báo có nhắc đến một chi tiếc làm tôi ngẩn ngơ nhiều ngày. Tác giả đã nói về một quán cà phê thân quen: Quán chị Chi ở Dakao. Thật ra đây không phải là quán cà phê mà là quán trà, mà thật ra có lẽ cũng không thể gọi là quán trà mà chỉ có thể nói là chỗ uống trà ở nhà chị Chi mới hoàn toàn đúng.

Bạn hãy tưởng tượng giùm tôi cái khu gia cư xưa cũ, rất yên tĩnh và rất dễ thương, nằm phía sau rạp hát Văn Hoa Dakao, ở đó có những con đường rất nhỏ, những ngôi nhà mái ngói phủ đầy rêu xanh, những hàng bông giấy che kín vỉa hè. Ở đó không có cái ồn ào náo nhiệt như ngoài Trần Quang Khải, khúc đổ về Tân Định, cũng không có cái tập nập mắc cưởi của đoạn Lê Văn Duyệt hướng về Lăng Ông. Nó trầm lắng cô liêu và im ả tách biệt lắm. Nhà nào cũng nhỏ, cất cao hơn mặt đường mấy bực tam cấp xi măng, mở cữa ra là có thể nghe người bên trái nói, thấy người bên phải cười và có cảm tưởng như có thể đưa tay ra bắt được với người đối diện bên kia đường.

Quán chị Chi ở một trong những ngôi nhà này. Làm sao để nhận ra? Không biết, tôi đã nói là không phải quán xá gì cả mà, chỉ là tới nhà bà chị uống trà chơi vậy thôi và đã là nhà bà chị thì phải tự biết chớ, cần gì hỏi. Phòng khách, được gọi là quán, chị Chi nhỏ lắm, chắc độ chín mười thước vuông gì đó, chỉ đủ chỗ để đặc ba bốn chiếc bàn nhỏ. Nhà không có nhạc, không trưng bày trang trí gì cả ngoại trừ một bức tranh độc nhất treo trên vách, bức tranh đen trắng, cỡ khổ tạp chí, có lẽ được cắt ra từ một tờ báo Pháp. Tranh chụp để thấy một bàn tay giắt một em bé trai kháu khỉnh, vai đeo cặp sách, miệng phụng phịu làm nũng, hai mắt mở to nhưng nước mắt đang chảy dài theo má, phía dưới có hàng chữ nhỏ: "Hôm qua con đã đi học rồi mà."

Giang sơn của chị Chi chỉ có vậy và chị mở "tiệm." Khách đến với chị Chi không phải coi bản hiệu mà vào, cũng không phải nghe quảng cáo trên đài địa phương hay đọc giới thiệu trên báo chợ báo bán gì cả, mà hoàn toàn do thân hữu chuyền miệng cho nhau để đến, nhiều lần thành quen, từ quen hóa thân và quyến luyến trở lại. Chị Chi có bán cà phê nhưng tuyệt chiêu của chị là trà. Loại trà mạn sen, nước xanh, vị chác nhưng có hậu ngọt và mùi thơm nức mũi. Trà được pha chế công phu trong những chiếc ấm gan gà nhỏ nhắn, xinh xinh. Ấm màu vàng đất, thân tròn đều, láng mịn, vòi và quai mảnh mai, cân đối. Mỗi bộ ấm có kèm theo những chiếc tách cùng màu, to bằng ngón tay cái của một người mập, vừa đủ cho vài hốp nước nhỏ.

Ấm có ba loại, được gọi tên ra vẻ "trà đạo" lắm: độc ẩm, song ẩm và quần ẩm nhưng hồi đó chúng tôi thường "diễn nôm" theo kiểu "tiếng Việt trong sáng" thành ấm chiếc, ấm đôi và ấm bư. Trà được uống kèm với bánh đậu xanh, loại bánh đặc biệt của chị Chi, nhỏ, màu vàng óng và mùi thơm vô cùng. Nhắp một ngụm trà, khẽ một tí bánh, cà kê đủ chuyện trên trời dưới đất trông cũng có vẻ phong lưu nhàn tản và thanh cao thoát tục lắm.

Đến với chị Chi có cái thú vị là được hưởng một không khí thân mật, thoải mái như đang ngồi trong nhà của mình, điều thích nữa là không bao giờ phải bận tâm đến chuyện tiền bạc gì cả, muốn đến lúc nào cứ việc đến, không có tiền thì chỉ cần ngồi cười cười, chị Chi sẽ nói giùm cho bạn điều bạn khó nói, "Cuối tháng chưa lãnh măng đa phải không? Uống gì nói chị lấy." Chưa hết đâu, khi đã thân, đã thành "bạn của chị Chi," hai lần mỗi năm vào khoảng trước Giáng Sinh và hăm ba ông táo về trời bạn sẽ được chị Chi kêu "đến chị chơi." Đến chị chơi có nghĩa là đến uống trà mà không phải trả tiền và nếu gặp lúc chị Chi vui và khoẻ, "chơi" còn có nghĩa là có bánh bèo tôm chấy hay bánh hỏi thịt nướng kèm thêm nữa.

Khách của chị Chi không đông, giá nước ở chị Chi không đắt vì vậy chắc chắn chị Chi không sống bằng "cửa tiệm," chị bán cho vui, bán mà như kêu anh em góp chút tiền cho chị để chị nấu giùm chút nước uống cho vui. Mà quả tình ở chỗ chị Chi vui thật, vui vì những đậm đà tình nghĩa.

Hồi đó chị Chi đã khá lớn tuổi, bây giờ sợ chị đã lìa xa chúng ta hoặc nếu không thì cũng không còn đủ sức để nấu nước giùm cho ai được nữa. Quán chị Chi chắc không còn nhưng dù sao cũng xin cảm ơn chị và xin đại diện cho những anh chị em đã từng ngồi quán chị Chi bày tỏ lòng tiếc nhớ đến chị và đến những ngày khó quên cũ. Tôi nghĩ anh chị em cũng không hẹp lòng gì mà không cho tôi nói lời đại diện này. Cuộc đời chúng ta đẹp vì những niềm vui nho nhỏ không tên. Sài Gòn của chúng ta đáng nhớ vì những dễ thương nho nhỏ không tên. Chị Chi, chị đã cho chúng tôi những niềm vui ấy. Chị đã góp cho Sài Gòn một phần của cái dễ thương ấy. Cảm ơn chị.

Những năm cuối thập niên 60 Sài Gòn có mở thêm nhiều quán cà phê mới, những quán sau này thường được trang hoàng công phu hơn, có hệ thống âm thanh tối tân hơn và nhất là quán nào cũng chọn một cái tên rất đẹp, phần lớn là dựa theo tên những bản nhạc nổi tiếng: Cà Phê Hạ Trắng, Lệ Đá, Diễm Xưa, Hương Xưa, Hoàng Thị, Biển Nhớ, Hoài Cảm, Da Vàng... Tuy nhiên, ở một con đường nhỏ, hình như là Đào Duy Từ, gần Sân Vận Động Cộng Hòa có một quán cà phê không theo khuôn mẫu này, nó mang một cái tên rất lạ: Quán Đa La. Đa La là Đà Lạt, quán của chị em cô sinh viên Chính Trị Kinh Doanh, có lẽ vừa từ giả thác Cam Ly, Hồ Than Thở để về Sài Gòn học năm cuối tại nhà sách Xuân Thu hay sao đó, mở ra.

Trường kinh doanh quả là khéo đào tạo ra những môn sinh giỏi kinh doanh: Tin mấy cô sinh viên mở quán thật tình là không được chính thức loan báo ở đâu cả. Tuy nhiên, cứ úp úp mở mở như vậy mà tốt, nó được phóng lớn, lang xa, tạo ấn tượng mạnh và quán được chờ đón với những trân trọng đặc biệt, những náo nức đặc biệt. Những cô chủ chắc có máu văn nghệ, đã cố gắng mang cái hơi hướng của núi rừng Đà Lạt về Sài Gòn: Những giò lan, những giỏ gùi sơn nữ, những cung tên chiến sĩ đã tạo cho quán một dáng vẻ ngồ ngộ, dễ thương; rồi những đôn ghế, những thớt bàn được cưa từ những bi cây cổ thụ u nần, mang vẻ rừng núi, cổ sơ đã giúp cho Đa La mang sắc thái rất... Đa La.

Ngày khai trương, Đa La đã mời được Linh Mục Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt đến dự và đã chuẩn bị một chương trình văn nghệ hết sức rôm rả với những bản nhạc "nhức nhối" của Lê Uyên Phương, Nguyễn Trung Cang, Lê Hữu Hà... Chừng đó là đủ chết người ta rồi. Dân Đại Học Xá kéo qua, dưới Sư Phạm, Khoa Học lên, Y Khoa. Phú Thọ xuống. Cả Petrus Ký, Chu Văn An nữa là đủ bộ, quanh quanh khu Ngã Sáu chấm Đa La và dồn tới.

Những ngày đó Đa La đông vui lắm, nó trở thành một chốn tụ tập hết sức văn nghệ. Nó đã chứng kiến sự nở hoa của nhiều mối tình và cũng chia xẻ sự héo tàn của nhiều mối tình khác. Nó có thể tiếp tục buồn vui với những người bạn trẻ như thế nếu như đất nước không có những đột biến to tát: Biến cố Tết Mậu Thân với cảnh nhà cháy người chết ngay tại thủ đô Sài Gòn. Rồi tổng công kích đợt hai. Rồi tổng động viên lần thứ nhất năm 1968. Quân sự học đường. Tổng động viên lần thứ hai năm 1972. Tất cả những điều đó đã làm thay đổi rất nhiều nhịp sống chung và tác động sâu xa đến suy nghĩ và hành động của từng con người.

Đa La vắng dần những người khách cũ, lưa thưa có thêm những người mới với dáng vẻ ủ dột trầm ngâm hơn, lác đác những bộ đồ vàng quân sự học đường, những bộ đồ phép Thủ Đức, những bộ đồ lính thứ thiệt của nhiều quân binh chủng vội đến, vội đi. Đa La lần lược nhận được tin tức về nhiều người bạn cũ không bao giờ còn trở về. Đa La tiếp tục có thêm nhiều buổi cà phê cuối cùng để tiễn những người đến lược ra đi. Đa La không vui và những người bạn của Đa La cũng không vui bởi vì cả đất nước không vui, cả dân tộc đang muộn phiền.

Đa La còn đến lúc nào? Đóng cữa bao giờ tôi không biết, có điều là đã có thời Đa La giống như một tri kỷ của nhiều người, nó cũng buồn, cũng vui, cũng hy vọng, cũng rã rời, cũng phấn chấn, cũng mệt mỏi, cũng khóc, cũng cười, cũng muốn ngoan ngoãn xây dựng, cũng thích tung trời phá phách, cũng tỉnh, cũng điên, nói chung là nó chung chịu với bạn bè những tháng ngày nhiều chuyện, dễ thương lắm và đáng nhớ lắm, một chút Sài Gòn.

Hồi đã vào Thủ Đức tôi còn rất nhiều dịp để ngồi cà phê Hân, đường Đinh Tiên Hoàng. Thật ra phải nói tôi bị bắt buộc phải ngồi ở đó vì thời gian trong quân trường tôi thuộc loại con bà phước, gia đình ở xa, người yêu thì mặc dù đã quen từ thời còn ở tỉnh nhỏ quê nghèo nhưng cũng vẫn chưa qua được giai đoạn "mặt ngoài còn e," cuối cùng tôi chỉ còn bạn bè. Hồi đó mỗi lần đi phép, xe quân trường sẽ thả xuống và đón về ở khu Mạc Đỉnh Chi, gần Hội Việt Mỹ. Tuy nhiên dạo đó tình hình sôi động lắm, quân trường lúc cắm trại, lúc xả phép, không chắc lúc nào có thể về được vì vậy tôi chỉ có thể nhắn chung chung là "đón tao ở Hân," phòng hờ có trục trặc gì thì bạn bè kể như đi uống cà phê chơi với nhau, đỡ sốt ruột. Tôi thật sự vui mừng và cảm động, chưa bao giờ tôi đến Hân mà không có người chờ, cũng chưa bao giờ tôi chờ ở Hân mà không có người đến. Bạn bè! Biết nói sao cho đủ cái nghĩa đặc biệt của hai chữ ấy.





Thành phố Saigon, đại lộ Lê Lợi, và những kỷ niệm năm đó... 1970.
(HÌNH ẢNH: VNCTLS sưu tầm)


Hân là quán cà phê thuộc loại sang trọng, khách phần lớn ở lớp trung niên và đa số thuộc thành phần trung lưu, trí thức. Bàn ghế ở đây đều cao, tạo cho khách một tư thế ngồi ngay ngắn, nghiêm chỉnh và bàn nào cũng có đặt sẵn những tạp chí Pháp ngữ số phát hành mới nhất. Câu chuyện ở Hân chắc là quan trọng lắm, lớn lắm. Nhìn cái cách người ta ăn mặc. Trông cái vẻ người ta thể hiện là biết ngay chứ gì. Có lẽ cả thời sự chính trị, kinh tế tài chánh, văn chương, triết học đều có cả ở đây. Một chỗ như vậy tốt lắm, đáng trân trọng lắm chứ. Tuy nhiên, dường như có một chút gì rất xa, rất lạ với một người lính.

Thật tình tôi chỉ là một người lính bất đắc dĩ, lệnh tổng động viên giới hạn tuổi ở đại học, ông tướng Đạm không ký giấy hoãn dịch nữa thì trình diện. Tôi rời Sài Gòn cũng chưa được bao lâu, ở Thủ Đức thì cũng chỉ mới là lính tập sự, lính sữa. Đđã có tối nào nhìn toán tiền đồn lầm lũi đi vào đất địch để phục kích, để lấy tin đâu mà hiểu được nỗi cô đơn. Đã có đêm nào trùm poncho ghìm súng ngồi dưới mưa giữa vòng vây quân địch đâu mà biết được cái cảm giác trống vắng, khiếp hải. Đã bao giờ ôm thân thể thủng nát của một đồng đội rạp người dưới làn đạn thù, nhìn máu chảy cho đến hết đâu mà hiểu được nỗi bi uất, tuyệt vọng. Vậy mà tôi đã tự nhân danh là một người lính để cảm thấy xa lạ, lạc lõng với Hân, với Sài Gon. Kỳ cục không?

Cảm giác của tôi lúc ấy lạ lắm, khó nói lắm. Nhưng tôi không có thì giờ để suy nghĩ, để phân tích điều gì, tôi đang đi phép mà, cho tôi nghỉ một chút, chơi một chút dù cả lúc chơi, lúc nghỉ tôi đều bị cái cảm giác lạ lạ, khó nói kia ám ảnh. Sau này, Nhà văn Thế Uyên có viết một quyển tạp bút tựa là "Mười Ngày Phép Của Một Người Lính." Tôi đọc và thấy nhẹ nhàn thơ thới lắm. Đại khái tác giả đã nhân danh một người lính mà đặc vấn đề với những con người, những cách sống, nói chung là với một hậu phương mà ông cho là bất xứng. Tôi nhẹ nhõm vì ông Thế Uyên đã nói giùm tôi cái mà tôi gọi là cảm giác khó nói ở trên.

(Đoạn sau đây lẽ ra không có trong bài viết này, nhưng tôi vừa nhắc đến nhà văn Thế Uyên với một cách nói được hiểu như là một sự mến mộ vì vậy nên tôi xin phép nói thêm vài đều trong cái ngoặc đóng này. Đúng, có một thời gian rất dài tôi mến mộ ông Thế Uyên. Tôi mê Thế Uyên từ truyện ngắn "Những Kẻ Thuộc Bài." Đại khái chuyện muốn nói là mỗi chúng ta đều học được từ sách vở, học đường, tôn giáo và nhiều nguồn giáo dục khác những điều tốt đẹp. Thật đáng buồn, thực tế không giống như những gì ta được dạy. Trong cuộc đời có quá nhiều những kẻ không thuộc bài, có quá nhiều những ngụy quân tử, nói rất đúng bài vở nhưng chính họ lại làm khác và Thế Uyên nhân danh một người thuộc bài, phê phán về điều đó. Tôi đã từng có lúc bạo gan nghĩ là mình cũng thuộc loại thuộc bài nên hết sức thông cảm và chia xẻ nỗi buồi của Thế Uyên, ủng hộ Thế Uyên. Về sau Thế Uyên lập nhà xuất bản Thái Độ, lại đúng nữa, xã hội của chúng ta quả là có nhiều vấn đề cần tỏ thái độ và tôi lại tiếp tục ủng hộ Thế Uyên dù tôi chưa bao giờ gặp gỡ hay quen biết gì với ông. Tôi giữ một tình cảm rất đặc biệt về Thế Uyên cho đến năm 1979. Hồi đó các trại tù đã được thăm nuôi và tôi được bạn bè lén lút gởi cho tờ báo Đứng Dậy hay Đối Diện gì đó của nhóm Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan. Trong tờ báo này có một bài viết của Thế Uyên, anh ta kể về một cái Tết ở trại giam Kà Tum. Nhà văn lớn có khác, tả tết thì đúng là tết, có thịt cá bánh trái ê hề, có cà phê thuốc lá vui vẻ, có giọng nói tiếng cười "hồ hỡi phấn khởi," có những khuôn mặt rạng rỡ tin yêu, có các cán bộ khoan hòa nhân ái như những nhà tu, đặc biệt là cảm tưởng sung sướng xúc động của tác giả khi được đứng nghiêm chào lá cờ máu trong ngày đầu năm. Tôi đọc bài báo mà buồn lắm, buồn ghê gớm lắm. Tôi biết là trong hàng ngũ những kẻ không thuộc bài đã có thêm một người và tôi tự buộc mình phải quên hai chữ Thế Uyên đi, thật đau lòng nhưng phải quên, nhất định).

Tôi xin trở lại với cà phê Hân và xin làm ơn bỏ qua một bên cái cảm giác xa lạ của riêng tôi. Hân vốn tự nó là một nơi chốn hết sức đáng yêu và chắc chắn là một nơi chốn rất đáng nhớ của nhiều người. Về sau, ở đối diện với Hân người ta mở thêm quán cà phê Duyên Anh (không biết nơi này có liên quan gì với nhà văn Duyên Anh hay chỉ là tên đặt bỡi một người chủ ái mộ nhà văn này). Hai tiệm cà phê, một sang trọng chững chạc, một trẻ trung sinh động, cả hai đã trở thành một điểm hẹn, một đích tới mà khi nhắc đến chắc nhiều anh chị em ở trường Văn Khoa, trường Dược, trường Nông Lâm Súc ngay góc Thống Nhất - Cường Để và các anh em bên khu Đài Phát Thanh, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị hướng Phan Đình Phùng, Nguyễn Bỉnh Khiêm sẽ mỉm cuời và sẽ thấy rất gần gũi, rất thân thiết.

Tôi vừa mời các bạn đi thăm một vòng mấy quán cà phê mà chắc nhiều anh em trong chúng ta từng quen biết, từng có những gắn bó thế này hay thế khác. Tôi xin ngừng ở đây nhưng anh em có thể tiếp tục đến những nơi chốn kỷ niệm khác của riêng mình. Tôi biết anh em đều là những người nặng tình cho nên tôi tin là mỗi hẻm nhỏ, mỗi góc phố, mỗi hàng cây, mỗi cổng trường đều thấp thoáng bóng hình của tuổi nhỏ, của quê xưa.

Tôi xin nhắc là anh em nào muốn gặp các nhà văn nhà thơ, muốn nhìn họ ngậm ống vố, đeo kiến cận nói chuyện văn chương thì mời đến quán Cái Chùa, anh em nào muốn có không khí trẻ trung đầm ấm mời đến Hầm Gió. Anh em nào muốn có chỗ riêng tư tâm sự thì cứ theo đường Nguyễn Văn Học chạy tuốt lên Gò Vấp, vào quán Hương Xưa, ở đó có vườn cây đẹp, các cô chủ đẹp và cái cách người ta đối với nhau cũng rất đẹp. Tất cả những gì tôi nhắc tới là một chút ngày cũ, một chút cảnh xưa, một phần hơi thở và nhịp sống của Sài Gòn trong trí nhớ. Xin tặng anh, tặng chị, tặng em, tặng tất cả những ai còn có lúc bỗng bàng hoàng nhận thấy, dường như một nửa trái tim mình còn đang bay lơ lửng ở đâu đó, nơi quê nhà.

Wednesday, July 2, 2008

AIR FORCE DAY & TỬ SĨ 219

HÌNH ẢNH KỶ NIỆN AIR FORCE DAY 1 THÁNG 7 NĂM 2008
TƯỞNG NIỆM ANH HÙNG TỬ SĨ 219
CÁM ƠN ANH NGUYỄN XUÂN BÁCH ĐÃ TÀI TRỢ NGÀY NÀY HÀNG NĂM.










Monday, June 23, 2008

Am nhac

Những Bài Tình Ca Vấn Vương Một Thời


Lê Tất Đạt

……………..


Nhạc Việt Nam đến với tôi đầu tiên là bản Quốc ca. Tôi yêu bài hát ấy. Tôi là một thằng bé ngỗ nghịch nhưng mỗi buổi sáng chào cờ nghe bài Quốc ca lòng tôi bỗng dạt dào và tự nhiên đứng nghiêm chỉnh không nhúc nhích. Đó là một câu trong bài luận văn tôi viết năm lớp nhì và được mang ra đọc trong buổi chào cờ trước toàn trường tiểu học Phú Mỹ. Một vinh dự! Ngoài bài quốc ca, bản đầu tiên gây ấn tượng sâu xa và tích tụ trong hồn tôi đó là bản Ngựa Phi Đường Xa của Lê Yên qua tiếng hát của ban hợp ca Thăng Long trình diễn tại Hội Quán Quản Tri gần đầu đường Hàng Bè trước ngày chia cắt đất nước. Ngày đó ca sĩ Hoài Trung làm ngựa hý nghe mê chết luôn vì ông này mặt dài như mặt ngựa. Và tôi cũng mê Thái Thanh từ dạo ấy. Đúng ra tôi mê sản phẩm Bắc hà từ dạo ấy. Nhà tôi bên cạnh một gia đình người Bắc di cư trước 1950. Anh Phạm Quang Ngọc là người lớn hơn tôi chừng vài tuổi, học Nguyễn Du là một người có tài, dưới mắt tôi ngày đó. Làm thơ, đặt nhạc, kể chuyện ciné như thật. Chính anh là người đem văn hoá Bắc hà đến với tôi. Chính anh giải thích cho tôi bản Tình Tự Tin của Phạm Duy chính là Tình yêu, Tự do và Tin tưởng. Chính anh cho tôi chép lại các tập thơ của Xuân Diệu, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Quang Dũng, TTKH, Huy Cận, Chế Lan Viên mà mỗi trang đầu tập thơ anh viết cẩn trọng hàng chữ giở cho khéo kẻo lòng tôi động vỡ mà anh sưu tập. Tôi không biết anh có phải là tác giả câu này không nhưng hồi đó bạn bè anh, một đám Bắc kỳ vẫn thường xuyên tụ tập đàn địch, ngâm thơ và nói chuyện ciné nghe thích lắm. Ở lớp đệ thất đệ lục mà có một ông bạn tài hoa như thế thì cũng hãnh diện lắm chứ phải chơi.Và cũng chính anh, ngày bỏ Huế vào Saigon đã ký tặng tôi tập thơ do anh sáng tác lúc đi học hè Bồ Đề tôi đem ra khoe với Phạm Lương Cơ mà hắn không tin . Anh mê ban Thăng Long, ban Tiếng Tơ Đồng, Mộc Lan, Châu Hà, Kim Tước thì tôi cũng mê theo thôi. Quê chưa, nhưng không sao, nghe riết rồi minh cũng giền luôn mà bỏ quên sản phẩm nhà …Hà Thanh. Tôi cũng chẳng nhớ rõ giữa thập niên 50 đã có sự hiện diện của ca sĩ Hà Thanh chưa vì thuở đó ca sĩ Bắc hà nhiều quá, ngoài những khuôn mặt nói trên còn có ban hợp ca Hạc Thành với Thể Tần, Hồng Hảo, Nhật Bằng và Nhật Ngân, khánh Ngọc. Nam ca sĩ thời đó có Anh Ngọc, Cao Thái.


Nhạc Việt có nhiều bản tuyệt vời lắm chứ.Tôi thích hầu hết các bài ca thời tiền chiến. Trung kỳ (Huế) thì có Nguyễn Văn Thương với Đêm Đông, La Hối (Hội An) với Xuân và Tuổi Trẻ, Phan Huỳnh Điểu (Quảng Nam) với Mùa Đông Binh Sĩ . Nam Kỳ thì có Anh Việt Trần Văn Trọng với Bến Cũ. Bắc Kỳ thì có Văn Cao với Suối Mơ, Buồn Tàn Thu, Thiên Thai; Đặng Thế Phong với Con Thuyền Không Bến; Phạm Duy với Tình Hoài Hương:





Quê hương tôi, có con sông đào xinh xắn

Nước tuôn trên đồng ruộng vắn

Lúa thơm cho đủ hai mùa

Dân trong làng trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê.

Quê hương tôi có con đê dài ngây ngất

Lúc tan chợ chiều xa tắp

Bóng nâu trên đường bước dồn

Lửa bếp nồng, vòm tre non, làn khói ấm hương thôn!

Ai về, về có nhớ, nhớ cô mình chăng?

Tôi về, về tôi nhớ hàm răng cô mình cười ơ ơ ớ!

Ai về mua lấy miệng cười

Để riêng tôi mua lại mảnh đời, thơ ngây thơ ơ ớ ơ ơ ờ!


Quê hương ơi! Bóng đa ôm đàn em bé

Nắng trưa im lìm trong lá

Những con trâu lành trên đồi

Nằm mộng gì? Chờ nghe tôi thổi khúc sáo chơi vơi.

Quê hương ơi! Tóc sương mẹ già yêu dấu

Tiếng ru nỗi niềm thơ ấu

Cánh tay êm tựa mái đầu

Ôi bóng hình từ bao lâu còn ghi mãi sắc mầu!

………


(Saigon 1952)


Chung Quân với Làng Tôi :





Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh

Có sông sâu lờ lững vờn quanh

Êm xuôi về Nam

Làng tôi bao mái tranh sang sát kề nhau,bóng tre ru bên mấy hàng cau

Đồng quê mơ màng.....................









Những bài ca như thế này phải được viết lên bằng xúc cảm tận đáy lòng, phải ôm ấp tình quê hương đầm ấm ngọt ngào trong tâm hồn mới bộc bày những lời lẽ thiết tha và âm điệu nhẹ nhàng dịu ngọt như vậy. Tình Hoài Hương của Phạm Duy hay Làng Tôi của Chung Quân hay đêm Trăng Sáng Trong Làng của Thông Đạt hay Quê Hương của Hoàng Giác thì cũng giống như quê hương của bạn, làng quê của bạn, của tôi dưới những đêm Trăng Thanh Bình (Lam Phương) soi sáng, vang tiếng chày giã gạo. Vậy mà sao chúng ta không nói được gì mấy chục năm xa xứ. Hay cái tiện nghi vật chất thừa thải làm hủ hóa tâm hồn mất rồi. Nhạc ngợi ca tình yêu Việt Nam nhiều lắm nhưng hầu hết không phải viết lên từ nguồn cảm hứng mà từ sự nhồi nặn nên gượng ép, giả tạo nên không sống lâu được.


Những tình khúc tuyệt vời ngày xưa mấy chục năm sau vẫn còn làm người nghe xao xuyến là những bài ca đã vượt qua sự thử thách thời gian: Văn Phụng tình tứ đong đưa với Châu Hà qua Suối Tóc, Cung Tiến ở tuổi học trò mộng mơ thương nhớ với Thu Vàng, Phạm Đình Chương nói lên tình yêu quê hương với Hội Trùng Dương. Đoàn Chuẩn Tư Linh lãng mạn đa tình qua Lá Thư …Nhớ tới mùa thu năm xưa gửi nhau phong thư ngào ngạt hương. Nét bút đa tình lã lơi…, Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay; Tô Vũ với Tạ Từ… Tình anh như thông đầu non,Vời cao trông mây buồn đứng. Muôn kiếp cô liêu Ngàn năm còn yêu Ngọc Bích với bản tango tuyệt diệu Mộng Chiều Xuân, Thông Đạt với Trăng Sáng Trong Làng…Đêm nay trăng sáng soi làng tôi/Một vài cô thôn nữ gánh lúa lo ngày mai…. Hoàng Giác rung động dạt dào với Ngày Về, Quê Hương. Thập niên 50 bản Trăng Mờ Bên Suối của nhạc sĩ Huế mình Lê Mộng Nguyên, cũng phổ biến khá rộng rãi tuy nhiên vì bị đặt lại lời người hẹn cùng ta đứng bên bụi chuối nên không còn nghe tiếng suối nước róc rách trong rừng trăng mờ ảo đâm ra mất thanh tao.


Sau ngày chia cắt đất nước Vũ Thành gửi ước mơ hoài vọng qua Giấc Mơ Hồi Hương và Hoàng Dương đem tâm tình mộc mạc nhớ thương một thành phố thân yêu đã mất qua bài Hướng Về Hà Nội.


Những năm về sau miền Nam có nhiều sáng tác để đời: Phạm Duy với Ao Anh Sức Chỉ Đường Tà, Nghìn Trùng Xa Cách ; Y vân yêu thương dào dạt mênh mông với Lòng Mẹ, thờ thẩn câm nín với Những Bước Chân Âm Thầm; Xuân Tiên giục giã gọi về sum họp bên bếp lửa hồng chan chứa thương yêu với Về Dưới Mái Nhà; Lê Trọng Nguyễn trở về qua thôn vắng tái tê tâm hồn nhớ bóng dáng người yêu đã ra đi với Nắng Chiều; Tuấn Khanh rộn ràng về thăm người yêu khi nắng nhẹ vương trên lưng đồi qua Hoa Soan Bên Thềm Cũ; Hoàng Thi Thơ trở về quê xưa ngỡ ngàng hay tin mẹ hiền đã mất và em gái đã đi lấy chồng với Đường Xưa Lối Cũ; Lam Phương vượt ra khỏi giòng nhạc mộc mạc Nam bộ trong hầu hết ca khúc của ông để xuất thần viết lên một tác phẩm tinh tế, âm diệu tuyệt vời qua tình khúc Chờ Người (Lệ Quyên diễn tả bài này hay lắm) và một bài thơ tuyệt vời của thi sĩ A Khuê đã được một nhac sĩ trẻ (17, 18 tuổi) phổ thành nhạc, đó là bài Về Đây Nghe Em của Trần Quang Lộc. Bài này trong CD Thái Thanh Hải Ngoại 3: Đêm Màu Hồng đã ghi sai tên tác giả là Lê Quang Lộc. Đáng tiếc cái lỗi lầm như vậy rất dễ tránh mà vẫn phạm phải như trường hợp Lê Thu với CD Vọng Ngày Xanh được người ca sĩ này coi…như một tác phẩm để đời mà trong tuyển chọn 10 bài ca thì 2 bài không ghi tên tác giả: Em Chết Theo Ngày Vu Quy và Điệu Buồn. Nếu tôi không lầm thì Em Chết Theo Ngày Vu Quy của Bảo Tô và Điệu Buồn là bài hát hay nhất của nhạc sĩ Thanh Trang. Ba mươi năm sau người Việt mình làm dịch vụ thương mại vẫn còn tính cách thủ công nghệ hoặc xem thường thính giả và tệ nhất là không tôn trọng người đã đem tim óc ra sáng tạo tác phẩm cho mình hát…làm giàu.





Về đây nghe em, về đây nghe em

về đây mặc áo the, đi guốc mộc

kể chuyện tình bằng lời ca dao

kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai

kể chuyện tình bằng hạt lúa mới

và về đây nghe gọi tiếng xưa, để nhớ trong tiếng vỡ bờ

Về đây nghe em, về đây nghe em

về đây thả ước mơ đi hát dạo

để chào đời bằng hạt sương mai

để bằng lòng ngọt ngào hấp hối

Để hận thù người người lắng xuống

rồi tìm nhau như tìm xót xa

trong lúc lệ đã đầy vơi


Này hồn ơi! lên cao lên cao

đem ánh sáng hân hoan trên trời

rọi vào đời cho ta tinh cầu yêu thương

này thịt xương ta chưa mang theo

khi ngã xuống mê man tủi hờn

Và về đây nghe nhau thở dài trong đêm


Về đây nghe em, về đây nghe em

về đây cùng khóc trên sông nước buồn

chở lòng người trở về quê hương

chở hồn mình về dòng suối mát

chở thật thà vào lòng dối trá

Rồi nhặt hoa xin tạ chút ơn

Hạnh phúc khi đã gặp nhau










Lớp tuổi mình giải trí bằng phương tiện gì trong thời điểm đó? Ngoài ciné, sách báo thì mình có phương tiện gì để nghe nhạc không. Chỉ một ít gia đình giàu mới có được một chiếc máy ra-dô mạnh đủ để bắt được đài Pháp Á ở Saigon còn không thì chi nghe được mỗi đài Huế phát thanh giới hạn mấy giờ một ngày. Mấy ai có máy phono quay bằng tay để nghe nhạc Việt trên những đĩa đá 33 vòng dày cộp, nặng trịch. Tôi không nhớ mình có nhiều cơ hội để nghe những bài hát trử tình thời tiền chiến trong thập niên 50 ngoại trừ nghe tại những buổi văn nghệ ngoài trời ở bến Thương Bạc do những nghệ sĩ cây nhà lá vuờng trình diễn trong đó có nữ ca sĩ Mỹ Linh nhà ở đường Võ Tánh với bài tủ Jambalaya. Họa hoằn mới có Đại Nhạc Hội, hoặc thoại kịch từ Saigòn ra trình diễn. Ban Dân Nam với Túy Hoa, Túy Phượng, Túy Hồng và lang quân Lam Phương một trong 3 Sao Băng, hai người kia là Phùng Trọng chơi trống và Lê Duyên chơi mandoline. Đại nhạc hội Hoàng Thi Thơ thì có thần đồng Hoàng Thi Thao độc tấu vĩ cầm Les Yeux noirs, một bài ca của dân du mục Nga đã được tay Tây ban cầm Django Reinhard làm nổi tiếng ở Paris thập niên 30. Thời đó đất nước mình vượng phát, xuất hiện nhiều thần đồng, quái kiệt. Một nữ thần đồng khác là Quỳnh Giao xuất hiện trong phim Đất Lành. Còn quái kiệt, minh tinh thì vô số kể. Như Trần Văn Trạch, Tùng Lâm, Xuân Phát, La Thoại Tân. Minh tinh thì có Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương và đại tài tử quốc tế Kiều Chinh xuất hiện trong Year of Tiger (1964) với Marshall Thompson cứng đơ như khúc gỗ. Thập niên 50, tôi không nhớ rõ miền Nam đã sản xuất đĩa nhựa tân nhạc 33 vòng hay không, tôi chỉ biết có đĩa đá thâu cổ nhạc Nam phần, còn băng cassette thì hồi đó chưa được sáng chế (hoặc có mà chưa xuất hiện ở Viêt Nam) nên rõ ràng là mình không có nhiều phương tiện để thưởng thức nhạc Việt. Từ giữa thập niên 50 mỗi lần Tết đến tôi nôn nao chi lạ. Không phải áo quần mới. Không phải tiền lì xì. Không phải được ba hôm ăn uống phủ phê mà nôn nao vì được xem phim Tết và nghe nhạc Xuân. Tôi yêu nhạc xuân. Từ bản Valse Việt nam đầu tiên Xuân và Tuổi Trẻ của cố nhạc sĩ La Hối đến bản Tango Mộng Chiều Xuân của Ngọc Bích. Từ Bến Xuân của Văn Cao đến Xuân Ca của Phạm Duy. Từ Ly Rượu Mừng của Phạm Đình Chương đến Anh Cho Em Mùa Xuân của Nguyễn Hiền. Cả một bầu trời xuân bát ngát, dịu dàng lã lướt như cánh bướm vờn hoa, ngọt nào đầm ấm như âm thanh tiếng nước sôi tí tách từ nồi bánh tét trên bếp hồng. Cả một khung trời nhung nhớ theo tiếng hát trở về. Cho đến bây giờ mỗi độ xuân về gia đình tôi vẫn rộn ràng những bài ca xuân một tuần lễ trước Tết và vài hôm sau đó. Vậy là tôi cũng yêu nhạc Việt lắm chứ. Vậy mà mai hiền thê hay cằn nhằn, anh nghe mãi loại nhạc léo nhéo ấy suốt ngày mà sao chịu được hay thế (Nhạc léo nhéo ấy là những Concerto for Violin và Orchestra hay Piano). Không những chỉ yêu thôi mà còn mê nữa nhưng có lẽ tôi hơi lọc lựa. Tôi chỉ thích những loại nhạc ngợi ca tình tự quê hương vì loại nhạc này nếu không có xúc đông chân thật thì không thể viết lên được. Nhạc tình, có lẻ, …Anh xin làm đá cuội mà lăn theo gót hài trong Biết Đâu Cội Nguồn của họ Trịnh thì mới đúng gọi là tình si như mối tình Đoàn Dự dành cho Vương Ngọc Yến.Cũng chẳng sao vì cảm quan nghệ thuật lấy gì làm tiêu chuẩn? Cái mà Tây phương gọi là culture bao gồm mọi lãnh vực sinh hoạt cả thể chầt lẫn tinh thần của một xã hội, vì vậy vừa có tính cách đặc thù vừa bao quát. Cho nên đụng vào cái culture của người là một vấn đề rất tế nhị. Nước mắm kho quẹt của mình ngon đáo để nhưng có thằng Tây nào chịu được không? Và chưa chắc mọi người Việt đều hít hà hạnh phúc với mùi vị đó, như hương vị quả sầu riêng nhà tôi vẫn nhắm tít mắt tận hưởng mà tôi lại không thể đến gần. Cái đó là culture, thưởng thức âm nhạc cũng như thưởng thức món ăn thôi, có người nhấp một ngụm trà mà ngủ uẩn biến tan như Trần Kiêm Đoàn (trong Tu Bụi), nhưng cách pha trà của anh công phu lắm, nếu tôi có khả năng làm được như vậy thì chưa đưa chung lên môi cũng ngộ được rồi. Có người nghe một khúc nhạc mà hận thù tan biến. Vì thế tôi lọc lựa cũng phải thôi. Ngoài ba mươi năm nay tôi vẫn thắc mắc tại sao lúc bỏ Bắc vào Nam, dù xa mồ mả tiên tổ nhưng vẫn ở trên đất nước vậy mà thuỏ ấy nhiều người đã nói lên cái tâm tình hoài vọng thiết tha của minh qua Tình Hoài Hương, Hướng Về Hà Nội, Giấc Mơ Hồi Hương; còn với cuộc ra đi nghìn trùng xa thẳm, lưu lạc xứ người trong một hoàn cảnh sinh hoạt văn hóa hoàn toàn xa lạ mà không có ai bộc bạch nổi thương tiếc xa quê. Cũng có vài bài ca thương gió khóc trăng vu vơ, cũng có vài ba ca khúc hẹn về giài phóng quê nhà, cũng có vài ba ca khúc nhớ Saigon ngày xưa anh chờ em đầu hè, cuối ngõ, cũng có vài ba ca khúc nhớ Đà lạt lũng thấp đồi cao, nhớ Huế trăng nước Vĩ Dạ còn đợi câu chờ. Chờ ai? Chờ ông cai bến đò. Bến đò Thừa Phủ em thẹn thùng nghiêng nón làm anh xao xuyến tâm hồn. Vậy thôi sao. Huế mình ở đâu cũng tụ tập ồn ào, ở đâu cũng lao xao chào xáo. Sông Hương mình êm đềm, tuyệt vời, thơ mộng hơn nghìn vạn lần sông Seine. Tháp Linh Mụ mình cao ngất từng xanh, cao hơn trăm lần tháp nghiêng-Leaning Tower Pisa ở Florence mà lại xây năm nghìn năm trước so với Tháp Pisa chỉ mới xây vào năm 1190 thôi. Huế mình cái chi cũng nhất hết. Vang bóng một thời với cung điện, đền đài lăng miếu, với tiếng chuông thiên mụ, với giòng sông tư tưởngcó bờ bên này là bão nổi bon chen tuyệt vọng và bên kia là trầm tư tĩnh lặng tuyệt vời.(Trần Kiêm Đoàn, Tu Bụi, trang 33).

Sunday, June 15, 2008

Hãy vinh danh người lính Việt Nam Cộng Hoà

Nguyễn thị Thảo An

Không biết bắt đầu từ thuở nào có một quy luật hình thành là ở một thể chế chính trị, đều thành lập một lực lượng để bảo vệ mình, lực lượng đó được gọi là quân đội. Quân đội sinh ra từ chế độ và nó cũng vẽ nên những chân dung của chế độ. Chế độ tốt sẽ xây dựng nên một quân đội tốt. Quân đội tốt sẽ không dung dưỡng một chế độ xấu.
Từ hơn hai nghìn năm về trước, người lính Việt Nam với chiếc áo trấn thủ, mang gươm giáo ngàn xưa để gồng gánh trên vai những nhiệm vu giết thù diệt loạn, bảo quốc an dân, giữ gìn cơ nghiệp của tiền nhân. Trải qua bao thăng trầm của đất nước, hình ảnh của người lính thay đổi qua bao thời thế, nhưng trách nhiệm không hề thay đổi.

Người thanh niên tuổi trẻ Việt Nam từ khi bước vào quân trường, khoác vội bộ đồ trận, lưng mang vác ba lô cho tới khi anh đứng nghiêm với lời tuyên thệ Vị Quốc Vong Thân. Người tuổi trẻ đã trở thành người lính. Anh trưởng thành hơn bóng dáng của quê hương. Người lính với chiếc nón sắt xanh đậm tròn tròn như nửa vầng trăng in rõ bóng trên nền trời xanh lơ. Anh đã bước ra, tay ôm súng và chân mang giày trận, anh giẫm mòn nửa vòng đất nước đi canh giữ cho quê hương.

Bắt đầu từ thập niên Sáu Mươi, khi kẻ thù phương Bắc, với xe tăng súng cối, với những chủ thuyết ngoại lai, với những xích cồng nô lệ, đã toan tính nhuộm đỏ quê hương, thì từ đó, người lính đã hiện diện trong tuyến đầu lửa đạn. Anh mang vác hành trang, chiếc ba lô nặng cồng kềnh để chận bước quân thù, để bảo vệ miền Nam .

Ðất nước hai mươi năm chiến tranh, hai mươi năm dài người lính hầu như không ngủ. Hai mươi năm có tới mấy ngàn ngày để anh đi từ sáng tinh mơ, chân giẫm ướt ngọn sương mai trên cỏ. Hai mươi năm có tới mấy ngàn đêm, bóng anh mịt mờ trong núi rừng lạnh giá. Hai mươi năm, anh nghe tiếng đại bác vang trời không nghỉ.

Tiếng mưa bom đạn réo bên mình. Tiếng xe tăng nghiền nát đường quê hương. Hai mươi năm, anh đã đem sinh mạng của mình đặt trên đường bay của đạn. Ðã đem hy vọng cuộc đời đặt trên khẩu súng thân quen. Hay đã đem tình yêu và nỗi nhớ đặt trên đầu điếu thuốc. Hai mươi năm chiến tranh có bao ngày anh được ngủ yên trên chiếc giường ngay ngắn. Có bao đêm anh mơ được trọn giấc bình yên. Hay anh đã sống thân quen với đời gian khổ và đánh bạn với gian nguy.

Anh với đầu đội súng và vai mang ba lô, lội qua những vũng sình lầy nước ngang tầm ngực. Anh đã đi qua những địa danh xa lạ: Ashau , Ia Drang, Kontum, Pleime, nơi giơ bàn tay cũng không thấy được bàn tay. Hay anh truy địch ở bờ sông Thạch Hãn lừng lững sương mai, ở phá Tam Giang sóng vỗ kêu gào hay ở Cổ Thành xứ Huế mù sương. Dài dọc xuống Miền Nam với rừng Tràm, rừng Ðước, đến Ðồng Tháp Mười anh đã nghe muỗi vo ve như sáo thổi.

Anh đã đến những nơi mà anh không tưởng, anh đi diệt địch và anh đã ngã xuống địa danh chẳng quen dấu chân anh. Người lính nằm xuống ở Miền Nam xanh tươi ngọn mạ, ở những vùng trầm se rét Miền Trung, hay ở Miền Ðông xác thân thối rửa Từ Ấp Bắc, Ðồng Xoài, Bình Giả... cho tới Tống Lê Chân, An Lộc, Bình Long, người lính đã căng rộng tấm poncho để che kín bầu trời Miền Nam được yên ấm tự do. Nối gót tiền nhân, người lính, mỗi người lính đã đem 3.8 lít máu tươi, tưới cho thắm tươi hoa lá ruộng đồng, đã đem mỗi một 206 lóng xương khổ nạn của mình cắm trăm nẻo đường quê hương muôn ngã, để cho chính nghĩa quốc gia tự do được tồn tại. Ðể cho người dân quốc gia được sống no ấm ở hậu phương.

Những người dân quốc gia, những người dân quốc gia không hề muốn trở thành dân Cộng Sản, những người quốc gia luôn muốn bỏ chạy khi Cộng Sản tới và núp bóng người lính để được sống an nhàn ở chốn hậu phương. Họ hoàn toàn trao trọng trách bảo vệ quốc gia, ngăn thù dẹp loạn như một thứ công việc và trách nhiệm của người làm nghề lính, như thể không liên quan gì tới họ. Và họ tự trấn an lương tâm rằng người lính sẽ không bao giờ buông súng và sẽ mãi mãi bảo vệ họ tới cùng. Vì thế, họ luôn yên tâm sống ở hậu phương, yên tâm kiếm tiền và tranh đua đời sống xa hoa phè phỡn trên máu xương của người lính.

Và ở hậu phương, người lính đồng nghĩa với nghèo, đời lính tức là đời gian khổ, và tương lai người lính đếm được trên từng ngón taỵ Thế nên, người lính về hậu phương, anh ngỡ ngàng và lạc lỏng. Bỗng hình như anh cảm thấy mình như người Thượng về Kinh. Như vậy thì người ta tội nghiệp người lính và yêu người lính để thể hiện tình quân nhân cá nước trong sách vở, báo chí và truyền hình.

Người lính bị bắt cóc vào văn chương tiểu thuyết là những người lính giấy, vào văn chương để tự phản bội chính mình, để thoả mãn cho những kẻ trông con bò để vẽ con nai, và ngồi phòng khách để diễn tả chiến trường đỏ lửa. Người lính trên trang giấy ngang tàng và hung bạo, chửi rủa chính phủ, chống chính quyền và ghét cấp chỉ huy, lính la cà trong quán rượu, uống rượu chẳng thấy say, và càng say càng đập phá. Người lính xuất hiện trên sân khấu thì phong lưu và đỏm dáng hay trắng trẻo no tròn. Anh mặc đồ trận mới toanh còn nguyên nếp gấp, ngọt ngào chót lưỡi đầu môi anh ca bài ca mời gọi ái tình. à người yêu của anh lính là những cô mắt ướt môi hồng, áo quần xa hoa lộng lẫy, thề non hẹn biển yêu lính trọn kiếp trong ti vi. Như vậy thì quá mỉa mai cho cái gọi là anh trai tiền tuyến, em gái hậu phương. Trong khi đó, ở ngoài đời những người vợ lính là những người chống giữ thầm lặng ở xã hội hậu phương.

Ðó là những người đàn bà bình dị với tấm áo vải nội hoá rẻ tiền, với đôi guốc vông kẻo kẹt, đóng vai vừa là người mẹ vừa là người cha nuôi con nhỏ dại, gói ghém đời sống bằng lương người chồng lính chỉ vừa đủ mua nửa tháng gạo ăn. Ðó là những người đàn bà tất tả ngược xuôi, lăn lộn thăm chồng ở các Trung Tâm Huấn Luyện, hay ở những nơi tiền đồn xa xôi với vài ổ bánh mì làm quà gặp mặt. Ðó là những người âm thầm và lặng lẽ, chịu đựng và hy sinh để chồng luôn an tâm chống giữ ngoài trận tuyến với đối phương.
Hạnh phúc của họ mong manh và nhỏ bé, bất chợt như tình cờ. Có thể ở một thỏi son nhỏ bé mà người lính mang về để tặng vợ, có thể là một chiếc nón bài thơ, hay chút tình cờ ở một buổi tối người lính chợt ghé nhà thăm vợ. Hạnh phúc ở trong chén trà thơm uống vội, hay ở lúc nhìn đứa con bé nhỏ chào đời tháng trước.

Người vợ lính cũng là những người hằng đêm thức muộn để lắng tai nghe tiếng đại bác thâu đêm, rồi định hướng với lo âu trằn trọc. Ðó là những người đàn bà mà sau mỗi lần đơn vị chồng đụng trận, đi thăm chồng giấu giếm mảnh khăn sô.

Trong nỗi chịu đựng hy sinh, âm thầm và kỳ vĩ, họ vẫn sống và luôn gắng vượt qua để cho người chồng an tâm cầm súng. Ðể anh, người lính, anh mang sự bất công to lớn, sự bạc đãi phủ phàng, anh vẫn đi và vẫn sống, vẫn chiến đấu oai hùng giữa muôn ngàn thù địch.
Ở chiến trường, anh đối diện với kẻ thù hung ác, ở hậu phương anh bị ghét bỏ khinh khi, trên đầu anh có lãnh đạo tồi, sẵn sàng dẫm xác anh để cầu vinh cho họ, đồng minh anh đợi bán anh để cầu lợi an thân.

Những người dân của anh, những người anh hy sinh để bảo vệ từ chối giúp anh truy lùng kẻ địch, và điềm nhiên để anh lọt vào ổ phục kích của địch quân. Những người dân bán rẻ linh hồn cho quỷ, tiếp tay cho địch thác loạn ở hậu phương, đó là những kẻ chủ trương đòi quyền sống, trong đó không bao gồm quyền sống của anh.

Những kẻ để trái tim rung động tiếc thương cho cái chết của kẻ thù nhưng dửng dưng trước sự ngã xuống của anh. A dua, xu thời là bọn báo chí ngoại quốc thiên tả, lệch lạc ngòi bút, ngây thơ nhận định, mù quáng trong định kiến. ất cả vây quanh anh để tặng cho anh những đòn chí tử. Người lính bi hùng và bi thảm. Anh chống địch mười phương, tận lòng trong đơn độc, anh vẫn hy sinh và chống giữ tới hơi thở cuối cùng.

Ngày Hoà Bình, 28 tháng Giêng năm 1973 hiệp định Paris được ký kết Hoà Bình thật đến trên trang giấy, đến với thế giới tự do. Thế nên, thế giới tự do nâng ly để chúc mừng cho hoà bình của họ và nhận giải Nobel. Nhưng hoà bình đến ở Việt Nam tanh hôi mùi máu, đen ngòm như tấm mộ bia. Và anh, anh là vật thụ nạn trong cái hoà bình bi thảm.
Người lính vẫn tiếp tục ngã xuống, đem xác thân đắp nên thành luỹ để ngăn bước quân thù. Từ Ðông sang Tây, từ Nam chí Bắc, từ ngàn xưa và cho tới ngàn sau, có một quân đội nào mang số phận bi thương và oai hùng như người lính?

Những người lính chịu uống nước rễ cây và đầu không nhấc thẳng, đi luồn dưới Rừng Sát suốt 30 ngày không thấy ánh mặt trời. Những người lính đi hành quân mà không người yểm trợ để hai ngày ăn được bốn muỗng cơm, hay ăn luôn năm trái bắp sống và những lá cải hư mục ruỗng, miệng thèm một cục nước đá lạnh giữa cái nắng cháy da.
Người lính, người ở địa đạo Tống Lê Chân ăn côn trùng để tử thủ giữ ngọn đồi nhỏ bé. Người nằm xuống ở An Lộc, Bình Long. Và thủ đô, vòm trời thân yêu mà anh mơ ước để tang truy điệu cho anh chỉ có ba ngày. Ba ngày cho sinh mạng của năm ngàn người ở lại. Người ta lại tiếp tục vui chơi và quên đi bất hạnh. Bởi bất hạnh nào đó chỉ là bất hạnh của riêng anh.

Người lãnh đạo anh còn mè nheo ăn vạ. Và anh, anh phải đóng trọn vai trò làm vật hy sinh. Trước nguy nan, lãnh đạo anh tìm đường chạy trốn thì anh vẫn còn cầm súng ở tiền phương. Anh đã chống giữ, chịu đựng từng đợt xung phong ở Ban Mê Thuột mỗi ngày 24 giờ, không có ai yểm trợ, tiếp tế từ hậu phương. Nhưng ở đó, anh vẫn phải tử thủ cho con đường tẩu thoát của cấp lãnh đạo anh tuyệt đối được bình yên.

Và đồng minh của anh, người đồng minh đã từng sát cánh, cùng chia sẻ nỗi gian nguy ở Hạ Lào, Khe Sanh dưới trời mưa pháo, nay lại nghiễm nhiên nhìn anh đi những bước cuối cuộc đời. Phải chăng nhân loại đang trút những hơi thở cuối cùng nên lương tâm con người đang yên nghỉ ?

Cho nên, cả thế giới lặng câm để nhìn anh chết. Không chỉ cái chết riêng cho mỗi mình anh, vì bởi dưới đuờng đạn xuyên qua, xác thân anh ngã xuống thì đau thương đã vụt đứng lên. Cái bi thương có nhân dáng lớn lên và tồn tại suốt ngang tầm trí nhớ. Và người lính, anh vẫn kỳ vĩ và chịu đựng như vị thần Atlas mang vác quả địa cầu, người lính đã mang vác và bảo vệ mấy trăm ngàn người dân trên đường triệt thoái.

Trên những con đường từ Cao Nguyên không thiếu những người lính gồng gánh cho những người cô dân chạy loạn. Tay anh dẫn em thơ, tay dắt mẹ già chạy trong cơn mưa pháo. Và anh đã làm dù, làm khiên đỡ đạn, cho nên thân xác anh đã căng cứng mấy đường cây số, hay xác làm cầu ở tỉnh lộ 7B, anh đã chết ở Cao Nguyên lộng gió và đếm những bước cuối đời ở ngưỡng cửa thủ đô.

Bởi lãnh đạo đầu hàng nên anh nghẹn ngào vất đi súng đạn. Với nham nhở mình trần, anh vẫn chưa tin đời đã đổi thay. Có thật không? Hai mươi năm chiến tranh kết thúc? Giã từ những hy sinh và gian khổ của hôm quả có thật không? gày buông rơi vũ khí, anh mơ được về để an phận kẻ thường dân? Và có thật không? Anh được đi, được sống giữa một quê hương rối loạn tràn ngập bóng quân thù?

Anh đã khóc nhiều lần cho quê hương chinh chiến và đã khóc nhiều lần cho những xác bơ vơ. Lính khổ lính cười, dân khổ để người lính khóc. Và có ai, từng có ai trong chúng ta đã khóc thương cho đời lính?

Thương cho người lính với trái tim tan vỡ từ lâu. Bởi trái tim anh đã hơn một lần để lại dưới chân Cổ Thành Quảng Trị, ở một mùa Xuân xứ Huế năm nào, ở Hạ Lào, Tống Lê Chân hay ở trong cái nồi treo lủng lẳng trên ba lô khi anh hô xung phong để tiến vào An Lộc? Người lính thật sự trái tim anh tan vỡ từ lâu.

Lịch sử đã sang trang, và loài người đã bắt đầu đi những bước cuối cùng trên trái đất? Thế nên thời trang nhân loại là thứ phấn hương tàn nhẫn, và môi tô trét thứ son vô tình. Cả thế giới đồng thanh công nhận và gửi điện văn chúc mừng sự thống nhất ở Việt Nam. Và người ta uống chén rượu mừng để truy điệu Việt Nam đi vào cõi chết, chúc mừng Việt Nam có thêm 25 triệu nô lệ mới nhập tên. Hoà bình đã nở hoa trong cộng đồng thế giới, trong đời người Cộng Sản, nhưng hoà bình không thật đến ở Việt Nam.

Người Cộng Sản chân chính có truyền thống là những người không hề biết hoà bình, không sống được trong hoà bình thật sự. Như con giun, con dế sợ ánh sáng mặt trời. Thế nên họ dẫn dắt toàn dân đi xây dựng văn minh thời thượng.
Khởi đầu là việc cày nát nghĩa trang Việt Nam Cộng Hoà và hạ tượng Người Lính Việt Nam Cộng Hoà. Người Lính rơi xuống vỡ tan trong lòng đường phố, nhưng từ đó anh mới thực sự đứng lên, đứng thẳng và oai hùng hơn trước trong trái tim của người dân Việt Miền Nam.

Bởi từ khi những người bộ đội Cộng Sản bước chân vào thành phố, thì người dân Quốc Gia mới thật sự hiểu được giá trị của anh. Và những sự lầm lẫn và hối hận hôm nay hình như luôn theo nhau đi vào lịch sử. Vậy thì, khi ta chết trên con đường chạy loạn, khi ta chết ở bãi Tiên Sa, ta vùi thân nơi vùng kinh tế mới hay ta chìm dưới đáy biển Ðông, không phải vì khẩu súng rơi trên tay người lính, mà ta chết bởi viên đạn ích kỷ, viên đạn lãnh đạm và thờ ơ xuất phát từ trái tim bắn ngược lại chính ta. Bởi sự thật về người Cộng Sản đã đi quá tầm tưởng tượng và sự hy sinh của người lính vượt quá nỗi bi thương.
Hai mươi năm chiến tranh, hơn hai trăm ngàn người lính, hơn năm trăm ngàn thương binh đã để lại hai trăm ngàn sinh mạng và năm trăm ngàn những phần cơ thể để lại trên chiến trường khốc liệt. Ðể cho chúng ta có một bầu trời để thở, có một khoảng không gian đi đứng tự do, để cho tuổi thơ của chúng ta không phải đi lượm ve, lượm giấy, không phải đeo khăn quàng đỏ và ngợi ca những điều dối gạt chính mình.

Ðể cho bàn tay thiếu nữ không chạm bùn nhơ thủy lợi, tuổi thanh xuân không phải vùi chôn ở những gốc mì. Ðể cho bà mẹ già không phải ngồi mơ ước miếng trầu xanh, và những giọt nước mắt thôi không cần tuôn chẩy.

Nhưng lịch sử đã sang trang, những trang hồng tươi màu máu cho người Cộng Sản và cũng là những trang đẫm máu và nhơ bẩn nhất cho cả lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Anh, người lính trong thời chiến thành người tù của thời bình. Người lính chịu số phận bi thương của chiến tranh và cũng chịu luôn số phận tàn nhẫn trong thời bình. Anh người lưu vong trong lòng dân tộc, và lưu đày ở chính quê hương anh.

Bởi Cộng Sản Việt Nam đã bắt đầu một cuộc chiến tranh mới và đẩy anh xuống đáy trầm luân. Cũng chính từ chiến trường Tù Ngục này mà Cộng Sản đã chứng minh được Chúng và Anh không là đồng loại. Chúng, là lũ Cộng Sản cuồng tín, và tàn bạo nhất giữa thế giới Cộng Sản và vô nhân. Chúng lập nên một vương quốc mới mang tên là Lừa Dối, và mở ra một kỷ nguyên giết người theo kiểu mới, giết người bằng những mỹ từ đẹp đẻ, bằng lao động vinh quang, bằng thời gian không thể đếm.

Người lính bước vào trận chiến mới, chiến trường có tên là cải tạo, và anh người tù nhân không có án. Ở đây anh không có lãnh đạo, không có đồng đội, không có hậu phương. Kẻ thù vắt cùng, vắt kiệt sức lực anh trong rừng thẳm. ày đọa sỉ nhục anh dưới hố xí tanh hôi, đem thanh xuân và tài hoa của anh vùi chôn ở những vòng khoai vớ vẩn. Ðặt hy vọng của anh máng vào những mốc thời gian.

Người lính đã trở thành vật thụ nạn thời bình. Anh chết đói bên những vòng xanh nở rộ do chính tay anh cày xới vun trồng. Anh chết khát khi bên ngoài mưa rơi tầm tã. Giữa những trùng vây sóng dữ, giữa bóng tối cô đơn Anh vượt qua sự chết để đem về nghĩa sống. Anh đi xiếc qua những ranh giới tử sinh để chứng minh được phẩm giá con người. Ðôi mắt anh cao ngạo và chân đạp chữ đầu hàng.
Từ trong tăm tối hận thù, anh thắp sáng lên ý nghĩa đời người. Anh đã chiến đấu, để từ trong cõi chết anh bước ra mà sống. Ðể anh trở về từ địa ngục trần gian. Bao đồng đội bất hạnh đã ngã xuống trong rừng thẳm, cuối cùng anh đã trở về:

Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trờiCám ơn hoa đã vì ta nởThế giới vui từ mỗi lẻ loi(Tô Thùy Yên)

Nước mắt anh không rơi trong ngục tù Cộng Sản, nước mắt anh rơi khi anh được trả tự do. Anh bước về, anh đi giữa lòng quê hương. Anh ngỡ ngàng như thức từ cơn mộng. Có thật chăng đất nước Việt Nam, tàn hơn 30 năm chinh chiến và tù đày, để anh có được một đất nước thanh bình điêu tàn hơn thời chiến?

Và tuổi trẻ, những mầm non đất nước hôm nay xa lạ như người không cùng chung dòng giống. Anh đi trên đường phố xưa, đường đã đổi tên. Anh tìm bạn bè cũ, đứa còn đứa mất. Quê hương này không có chỗ cho anh?

Hai mươi năm chiến chinh, mười mấy năm tù đày trên chính quê hương để rồi anh phải tha hương biệt xứ. Người lính, mười bốn năm lính, mười bốn năm tù, tài sẵn có, được trí trá vài đô la, và mái đầu sương điểm để anh bước vào đời lần nữa.

Anh không có quyền bắt đầu, chỉ có quyền tiếp tục trôi theo dòng đời nghiệt ngã. Người lính cũ ngồi bán nước đá bào cho học trò giờ tan học ở chính quê hương. Hay anh, người lính lưu vong ngồi bán thuốc lá lẻ hằng đêm trong những tiệm Seven Eleven trên đường phố Mỹ.

Ba mươi năm vết thương cũ hầu như chưa lần khép kín. Ôi, hai mươi sáu chữ cái bắt đầu từ a, b, c, đ dẫu sắp xếp khéo léo tới đâu vẫn không đủ để viết nên những bi hùng anh đã đạt. Và cần phải thêm vào bao nhiêu chữ nữa mới diễn tả lên sự xót thương anh.
Chúng ta đã quá may mắn, quá vinh dự để trang sử Việt Nam có thêm những anh hùng như người lính Việt Nam Cộng Hoà, những anh hùng vô danh và sống đời thầm lặng, những anh hùng bình thường mà ta chưa có dịp vinh danh.

Nhưng cho tới nay, ta đã làm gì để tri ân người lính Quốc Gia. Chúng ta những người dân Quốc Gia đi chung con thuyền Miền Nam do các anh chèo chống, đưa qua những con sóng dữ Việt Nam. Những người quốc gia đã sang thuyền trong cơn quốc nạn, và đã để mặc anh chìm trong cơn Hồng Thuỷ của Việt Nam.

Chúng ta, những người quốc gia tầm gửi, đã sống nhờ trên máu xương người lính, và chưa lần đóng góp nào cho chính nghĩa quốc gia. Có phải giờ đây, chúng ta tiếc thương người lính bằng đầu môi chót lưỡi, bằng những video, nức nở kêu gào, hay chúng ta khóc cho người lính bằng những trang thơ vớ vẩn? Và có ai, có ai trong chúng ta cảm thấy thẹn khi ta đã đôi lần hãnh diện vì ta nói tiếng Anh trôi chẩy hơn họ, xe ta đẹp, nhà ta to.
Ngày nay, Người Cộng Sản ở quê hương với đôi tay đẫm máu của thuở nào cũng nói lời phản tỉnh. Vậy còn ta, bao nhiêu người Quốc Gia sẽ thức tỉnh để vẽ chân dung kỳ vĩ và nhiệm màu của Người Lính chúng ta. Có ai trong chúng ta sẵn sàng chi tiêu những bữa tiệc đắt tiền trong những nhà hàng danh tiếng, mua những tấm vé vào cửa của đại nhạc hội lừng tên mà ta tiếc bỏ tiền ra để quyên góp, xây lại tượng Người Lính ở thủ đô đã ngã xuống hôm nào.

Ðể một mai, khi quê hương không còn giống Cộng Sản, ta đem anh về trở lại quê hương. Ðể anh được đứng lên chính nơi anh ngã xuống như cùng thời với đất nước lúc hồi sinh.
Bao nhiêu chuyên gia nhóm họp nhan đề "xây dựng lại đất nước trong thời hậu Cộng Sản". Vậy có ai đã đặt kế hoạch tri ân cho người lính ?

Bởi, một ngày nào mà ta chưa biết tri ân người lính và đặt họ ở một địa vị xứng đáng mà đáng lẽ họ phải ở từ lâu, thì làm sao ta có thể xây dựng được một xã hội đáng gọi là nhân bản.

Hãy vinh danh người lính Việt Nam Cộng Hoà. Hãy giữ gìn và bảo vệ tinh thần Vị Quốc Vong Thân của họ
như giữ gìn ngọn lửa thiêng trong lòng dân tộc, thì dân tộc ta mới mong có được nhữngtruyền nhân xứng đáng với thế hệ tương lai.
Nguyễn thị Thảo An

Tuesday, June 10, 2008

Father's Day

THÁNG SÁU, NGÀY CỦA CHA, NGÀY CỦA NGƯỜI CHA QUÂN ĐỘI
Giao Chỉ, San Jose., Jun 08, 2008
Cali Today News - Ngày Chủ Nhật 15 tháng 6 hàng năm, người Mỹ tuyên xưng là ngày vinh danh những người cha. Truyền thống Hoa Kỳ đã điều kiện hóa tình nghĩa theo trật tự, nên quanh năm lãnh vực nào cũng có dự phần. Ngày của ông bà, ngày của cô thư ký, ngày của cựu chiến binh, ngày của mẹ, ngày của cha và nhiều ngày trọng đại khác.

Các thương vụ thị trường cũng nhờ vậy mà phát triển. Trong khi đó, ngày Quân Lực của Hoa Kỳ vào cuối tháng 5 thì ngày Quân Lực VNCH là 19 tháng 6 hàng năm.

Hôm nay đề tài câu chuyện hàng tuần của chúng tôi là sự nối kết của Ngày Quân Lực và người Cha chiến sĩ Cộng Hòa.

Ba mươi mốt năm về trước, vào tháng 6-1977, chúng tôi đã có cơ hội tổ chức Ngày Quân Lực đầu tiên ở San Jose với đầy đủ câu chuyện vui buồn đời quân ngũ. Kỷ niệm về thời chinh chiến vừa mới rũ bỏ được vài năm. Kẻ chạy thoát mang đầy mặc cảm, ngồi nhắc nhở về đất nước quê hương với hàng ngàn bằng hữu tù đày. Đó là những Ngày Quân Lực hoài cảm đã mở đường cho các tổ chức nối tiếp hàng năm. Nhưng trong khi đó thì chúng ta chưa hội nhập đúng mức để lưu tâm đến ngày mà người Mỹ gọi là Father's Day.

Trên thực tế thì phần lớn các gia đình đều có cha đi học tập cải tạo, một thứ danh hiệu cách mạng gán cho những người bị tù đầy.

Sau những năm đầu tiên người Việt còn thưa thớt, đến đầu thập niên 80 những thuyền nhân vượt biển mới bắt đầu định cư. Và phải đến năm 1985 những sĩ quan tù lao cải được tha đợt đầu tiên mới bắt đầu vượt biên đến Mỹ. Một lần nữa những người chủ gia đình trải qua cả thập niên lao động cải tạo bắt đầu mở con đường mới. Trong công việc xã hội định cư, đón người mới đến tại San Jose chúng tôi có cơ hội chào mừng trung tá Nguyễn Đình Tạo với 9 năm tù ngục đến đất mới. Và trên con đường gian khổ ông Tạo đã mất đi một đứa con can trường mà ông yêu quý nhất.

Chúng tôi cũng có cơ hội đón bác sĩ Trần Xuân Ninh cũng là một thuyền nhân trên bể khổ. Và ông bà cũng mất đứa con thiên thần đẹp đẽ nhất trên biển Đông.

Cùng với bác sĩ Ninh và trung tá Tạo biết bao nhiêu người cha cựu tù lao cải đã mở đường tìm tự do với cái giá năm ăn năm thua để vội vã ra đi trước khi ánh sáng của chương trình định cư tù cải tạo ló rạng ở chân trời.

Cho đến cuối thập niên 80, bộ ngoại giao Hoa Kỳ bắt đầu mở hồ sơ đối thoại với Hà Nội và việc trả tự do cho các chiến binh Việt Nam Cộng Hòa. Người Mỹ lúc đó cũng chỉ muốn rằng các bạn đồng minh cũ của họ được tự do trở về nguyên quán. Thảo luận trải qua nhiều năm, nhì nhằng kéo dài như hội nghị Paris thời 70. Vì áp lực của Mỹ và thế giới, Hà Nội cũng muốn thả tù nhưng không muốn có hàng trăm ngàn cựu chiến binh Cộng Hòa về nằm vùng khắp mọi nơi. Lá bài được đặt ra. Nếu Mỹ muốn lãnh thì yêu cầu đem đi hết. Hoa Kỳ đồng ý. Đó là thời điểm của 1984.

Để chính phủ Mỹ có thể chấp thuận, bộ ngoại giao phải ra điều trần xin tiền Quốc Hội. Các phái đoàn cộng đồng Việt Nam thời kỳ 80, được bộ ngoại giao mời đến để bày hàng làm áp lực và khóc van với các dân biểu tại Hoa Thịnh Đốn.

Chúng tôi tại cơ quan IRCC và VIVO cùng với các bạn Nam Cali, Hoa Thịnh Đốn, chị Khúc Minh Thơ của Hội Gia Đình Cựu Tù Chính Trị, cùng các tù chính trị vượt biên đã tham dự và cố làm tròn nhiệm vụ.

Sau cùng thỏa ước định cư cựu tù chính trị được ký kết giữa ông Funseth phụ tá thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ và bộ ngoại giao Hà Nội. Những người Cha lao cải lần lượt được trả tự do và phái đoàn Mỹ bắt đầu công việc phỏng vấn suốt 10 năm tại Sài Gòn.

Tại San Jose, chúng tôi được tiếp đón những người Cha VNCH đến San Francisco trên chuyến bay đầu tiên vào đất Mỹ. Đó là ngày thứ Bẩy 13/1/1990 diện H01. Trung úy La Phước Hy về Oakland. Trung úy Hải Quân Bùi Thế Nguyên về San Francisco, Trung Úy Nguyễn Hữu Thức về San Jose. Rồi các đợt kế tiếp đến gia đình đông đảo của Đại tá Lại Đức Chuẩn, thuộc bộ TTM. Gia đình cô đơn với các con còn ở lại của Trung tá Nhảy dù Nguyễn Nghiêm Tôn.

Lần lượt từ 1990 đến 2000, suốt 10 năm đầu, hàng ngàn gia đình đã đến Mỹ. Có gia đình người Cha đi trước, có gia đình người Cha đi sau. Có những đơn vị toàn vẹn, có những đơn vị tổn thất nhưng phần lớn là các người chủ gia đình với trên 3 năm tù đều trở thành tấm vé thông hành tự do cho cả nhà. Cho đến ngày nay cũng vẫn còn những đợt H0 đến muộn.

Năm 1995, Tổng Nha Định Cư Di Dân Tỵ Nạn tại Hoa Thịnh Đốn sau khi phỏng vấn một nghìn gia đình HO đã có một vài kết luận. Hầu hết trả lời là họ ra đi vì tương lai con cái.

Luật định cư trước đây phán rằng nếu chủ gia đình mà qua đời thì hồ sơ cả nhà sẽ bị “xù.” Nhiều người cha đau yếu cố chống với từ thần từng giờ, từng phút để cho con cái được thấy cây cầu Golden Gate ở San Francisco.

Mấy năm trước, ở San Jose đã có những đứa con và những đứa cháu 10 năm chờ đợi, mới được bố điện về nói rằng "chúng mày phải đi chùa cầu nguyện để được McCain vớt".

McCain là tên ông Thượng Nghị Sĩ cựu HO Hoa Kỳ đã đệ trình dự luật nới rộng định cư tù cải tạo mà đa số người Việt đều nhớ ơn.

Tiếc thay văn phòng của ông có cho chúng tôi biết là thư yêu cầu can thiệp thì nhiều nhưng thư cảm ơn thì không có.

Vì vậy, nhân ngày Father's Day năm nay, có lẽ chúng ta cũng nên có đôi lời lịch sự với người bạn HO gốc Mỹ là ông cựu tù binh Hilton Hà Nội là Thượng nghị sĩ McCain. Chỉ cần gửi thank you note về Capitol Hill, Washington DC là thư sẽ đến nơi.

Tuy nhiên, nếu các bạn trẻ theo dõi chương trình Dân Sinh, thì đây là lời tôi muốn nói với các cháu. Trong suốt 10 năm qua, chúng tôi đã gặp khá nhiều cựu chiến binh VNCH, cựu tù cải tạo nhưng rất cô đơn. Các bác đến nhờ cơ quan xã hội giúp đỡ chuyện này chuyện nọ. Khi hỏi đến gia đình, các bác đều không muốn đề cập đến con cái.

Nếu gặng hỏi thì trên mặt cựu chiến binh Cộng Hòa nước mắt tuôn trào. Có người nói là tụi nó bận làm ăn. Hoặc là chán lắm, chẳng nhờ cậy gì được. Đôi khi thì nói rằng thằng con trai tôi thì cũng được, nhưng con vợ trời đánh không chết nên tôi coi như không có.

Hỏi chuyện về chuyến định cư mấy năm trước, ai nấy đều nói rằng gia đình lúc ra đi thì đông đảo về vui vẻ lắm. Tất cả đều nhờ vào cái giấy ra trại của ông già. Tờ giấy màu bụi đất chứng tích của 10 năm đói rét, tù đầy, chợt nhờ nước Mỹ ngó lại, bỗng chốc đưa cả bầu đoàn thê tử qua sống ở đất nước hùng cường. Chỉ mới có vài năm, bọn nhỏ bỏ ông già lang thang xe bus như vậy sao đành.

Đó là lý do tại sao, chúng ta cần liên kết ý nghĩa của Ngày Quân Lực VNCH và Father's Day của Hoa Kỳ. Những người chiến binh anh hùng của chúng ta, nếu quả thực không chiến thắng được trận cuối cùng nhưng cũng trả xong món nợ tù đày, và còn đem tấm thân làm cái vé cho cả nhà lên con tàu tự do đến miền đất mới. Bây giờ còn ai hơn được ông, để đứng ra nhận món qùa của Ngày Father's Day tại Hoa Kỳ.

Chỉ mong rằng những đứa con của ông biết đến lời nhắn nhủ này.

Giao Chỉ, San Jose.

Saturday, May 24, 2008

Chuyện trò cùng đồng đội: Ði tìm hài cốt anh em chiến hữu đã chết trong các trại "cải tạo"


Huy Phương

Anh Lâm Ngọc Chiêu, nguyên sĩ quan của Nha Kỹ Thuật, đã ở trong nhà tù tập trung của Cộng Sản trong thời gian 10 năm, một người trẻ có tâm huyết, luôn luôn nhắc lại câu nói: "Việc tìm hài cốt của anh em nằm lại trong các trại cải tạo" không phải là vấn đề nhân đạo và chính là món nợ chúng ta phải lo". Anh là người đã tiếp tay với người bạn tù cũ của anh Nguyễn Ðạc Thành, để trở lại Hoàng Liên Sơn đi tìm mộ của những chiến hữu cũ mà hài cốt hơn ba mươi năm nay chưa được về với gia đình. Hai người bạn tù này đã ở trại 9 - Liên trại 1- Ðoàn 776 Hoàng Liên Sơn. Anh Nguyễn Ðạc Thành là người may mắn có sự giúp đỡ tận tình của một luật sư người Mỹ, người cùng đi trong phái đoàn của Tổng Thống Bush viếng thăm Việt Nam hai năm trước đây đã can thiệp yêu cầu các giới chức có thẩm quyền ở Việt Nam để cho tổ chức Tổng Hội HO-POW Việt Nam tiếp xúc với các cán bộ trại tù cũ, xem sơ đồ, danh sách các cựu sĩ quan VNCH bị chết trong các trại cải tạo và giúp đỡ dễ dàng cho tổ chức này đi bốc mộ.
Kết quả trong hai chuyến đi đầu tiên do anh Nguyễn Ðạc Thành hướng dẫn, hội đã tìm ra hơn hai trăm ngôi mộ chiến hữu của chúng ta, có mộ bia hay đã mất mộ bia trong nhiều địa điểm trong vùng rừng núi ở Hoàng Liên sơn và đã giúp cho gần 20 gia đình đem được hài cốt của các tử sĩ này về với gia đình. Ðây là một công tác quá 1ớn và rất quan trọng, giải quyết được nguyện vọng của nhiều gia đình có chồng, cha đã nằm xuống trong các trại tù của Cộng Sản dựng nên tại hai miền Nam Bắc sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tuy vậy Tổng Hội HO & POW có văn phòng ở Houston, Texas chỉ là một tổ chức tự phát với trách nhiệm và lòng thành của một vài cựu sĩ quan VNCH, cựu tù nhân chính trị, không có văn phòng, tài chánh và đủ nhân lực cũng như thời gian để đảm trách sứ mạng này. Gia đình tử sĩ đi bốc hài cốt chồng, cha phải tự đài thọ chi phí cho cuộc hành trình như nơi ăn ở, phương tiện đi lại, xa xôi từ Saigon hay các nước khác như Hoa Kỳ, Canada, Úc, nhưng những anh em của Tổng Hội HO-POW như anh Nguyễn Ðạc Thành, Lâm Ngọc Chiêu đều phải bỏ tiền túi ra để lo cho công tác nhân đạo, tình nghĩa này. Sự có mặt của các anh trong tổ chức này rất cần thiết trong việc liên lạc với chính quyền trung ương và địa phương để bảo đảm cho gia đình tử sĩ được an toàn và an tâm trong thời gian đi tìm hài cốt ở một vùng đất xa lạ, hoang vắng với khí hậu khắc nghiệt của vùng rừng núi sơn lam, chướng khí của Hoàng Liên Sơn. Mặt khác tổ chức cũng hướng dẫn thân nhân tử sĩ đến đúng nơi đúng chỗ để đem hài cốt về.
Công cuộc tìm kiếm này không thể ngưng lại. Ba mươi năm qua, từ ngày các chiến hữu của chúng ta nằm xuống, rừng núi đã thay đổi, khí hậu mưa nắng xói mòn, bia mộ đã đổ vỡ, biến dạng hay thất lạc, nếu không kịp thời, thì những chờ đợi, hy vọng của các gia đình có chồng, cha chết trong các trại "cải tạo" này sẽ bị chôn vùi theo năm tháng. Nhiều gia đình, vì sự vô trách nhiệm và thiếu tình người của bọn cán bộ coi tù, gia đình không hề nhận được giấy báo tử của người chết để từ đó gia đình có thể đủ điều kiện đi định cư tại Hoa Kỳ theo diện có chồng cha chết trong trại "cải tạo". Nếu tìm được xương cốt kịp thời, đòi hỏi được giấy chứng nhận của các quản giáo cũ hay chính quyền địa phương, Tổng Hội HO-POW hy vọng sẽ cứu giúp được nhiều gia đình đi định cư tại Hoa Kỳ theo diện nhân đạo.
Anh em cựu chiến binh của chúng ta có hai món nợ, một đối với những người còn sống là "thương phế binh"; hai, đối với những người chết mà xương cốt chưa về được với gia đình là những anh em đã chết trong các trại "cải tạo". Xin những người hằng tâm, hằng sản cố gắng giúp đỡ cho công việc này được tiếp tục để vong linh của chiến hữu của chúng ta được an ủi phần nào. So với cuộc sống chúng ta hôm nay, anh em nằm lại trong các trại tù tập trung và gia đình anh em là những người bất hạnh.
Sau chuyến đi vào tháng 4-2008, hai anh Nguyễn Ðạc Thành và Lâm Ngọc Chiêu của Tổng Hội HO-POW đã đem về được một danh sách những ngôi mộ một số anh em quân, cán, chính VNCH đã bị chết trong trại tù cải tạo Nam Hà. Danh sách này gồm những người có tên tuổi, còn một số chiến hữu thì trại Nam Hà ghi bằng bí số. Sau khi Văn Phòng Tìm Kiếm Tử-Sĩ VNCH đến Nam Hà để tìm hồ sơ có tên tuổi, Hội HO-POW sẽ kịp thời loan báo cho thân nhân các tử sĩ được rõ để phối hợp đi tìm hài cốt.
Danh sách 50/135 tử sĩ VNCH hiện có mộ tại Trại Nam Hà (hiện nay chưa tra cứu được cấp bậc, chức vụ, ngày mất và quê quán).
Hà Văn Chung
Nguyễn Văn Chi
Lục Văn Chung
L. Ðình Thơm
Nguyễn Văn Trị
Giáp Văn Hùng
Ðỗ Văn Thông
Hoàng Văn Khuê
Nguyễn Ðức Ðình
Phạm Văn Cảnh
Bùi Văn Vụ
Nguyễn Văn Quý
Hoàng Văn Quang
Nguyễn Thanh Phong
Nguyễn Văn Dũng
Trần Văn Hiếu
Ðỗ Ðình Thế
Nguyễn Lê Tính
Võ Thanh Tâm
Hậu Văn Nghĩa
Nguyễn Văn Lưu
Nguyễn Văn Nông
Trần Văn Bốn
Nguyễn Xuân Minh
Lang Văn Chữ
Cao Kim Chan
Nguyễn Văn Minh
Hoàng Văn Toán
Nguyễn Văn Nhân
Nguyễn Yến Lương
Phùng Tân Phương
Phạm Cảnh
Vũ Sinh
Trần Tư
Nguyễn Quang
Ðào Văn Ðạo
Nguyễn Quang Quyền
Nguyễn Hà Ðăng
Nguyễn Văn Lệ
Nguyễn Văn Ðào
Nguyễn Văn Thắng
Lương Văn Giao
Nguyễn Hà Dư
Phạm Văn Ðê
Ðinh Quang
Trần Quang
Vương Huấn
Trương Chính
Nguyễn Văn Hùng
Hoàng Văn Thao
Văn Phòng Tìm Kiếm Tử-Sĩ VNCH xin nhờ các chiến hữu đã ở trong các trại tù Cộng Sản bất cứ ở đâu, nếu biết được tin tức các anh em đã chết (vào thời gian nào, trại nào, chôn cất ở đâu), cũng như gia đình các tử sĩ nhận ra thân nhân mình, xin vui lòng liên lạc với địa chỉ sau đây:
Ðịa chỉ liên lạc của TỔNG HỘI H.O. & POW
P.O. Box 281 Los Alamitos, CA 90720
Lâm Ngọc Chiêu (714) 826-7129
Nguyễn Ðạc Thành (832)725-3231
Chi phiếu xin đề: Tổng Hội HO. &POW
Memo: Văn phòng tìm kiếm tử sĩ VNCH
Email:
goodwill336@yahoo.com