Tuesday, June 10, 2008

Father's Day

THÁNG SÁU, NGÀY CỦA CHA, NGÀY CỦA NGƯỜI CHA QUÂN ĐỘI
Giao Chỉ, San Jose., Jun 08, 2008
Cali Today News - Ngày Chủ Nhật 15 tháng 6 hàng năm, người Mỹ tuyên xưng là ngày vinh danh những người cha. Truyền thống Hoa Kỳ đã điều kiện hóa tình nghĩa theo trật tự, nên quanh năm lãnh vực nào cũng có dự phần. Ngày của ông bà, ngày của cô thư ký, ngày của cựu chiến binh, ngày của mẹ, ngày của cha và nhiều ngày trọng đại khác.

Các thương vụ thị trường cũng nhờ vậy mà phát triển. Trong khi đó, ngày Quân Lực của Hoa Kỳ vào cuối tháng 5 thì ngày Quân Lực VNCH là 19 tháng 6 hàng năm.

Hôm nay đề tài câu chuyện hàng tuần của chúng tôi là sự nối kết của Ngày Quân Lực và người Cha chiến sĩ Cộng Hòa.

Ba mươi mốt năm về trước, vào tháng 6-1977, chúng tôi đã có cơ hội tổ chức Ngày Quân Lực đầu tiên ở San Jose với đầy đủ câu chuyện vui buồn đời quân ngũ. Kỷ niệm về thời chinh chiến vừa mới rũ bỏ được vài năm. Kẻ chạy thoát mang đầy mặc cảm, ngồi nhắc nhở về đất nước quê hương với hàng ngàn bằng hữu tù đày. Đó là những Ngày Quân Lực hoài cảm đã mở đường cho các tổ chức nối tiếp hàng năm. Nhưng trong khi đó thì chúng ta chưa hội nhập đúng mức để lưu tâm đến ngày mà người Mỹ gọi là Father's Day.

Trên thực tế thì phần lớn các gia đình đều có cha đi học tập cải tạo, một thứ danh hiệu cách mạng gán cho những người bị tù đầy.

Sau những năm đầu tiên người Việt còn thưa thớt, đến đầu thập niên 80 những thuyền nhân vượt biển mới bắt đầu định cư. Và phải đến năm 1985 những sĩ quan tù lao cải được tha đợt đầu tiên mới bắt đầu vượt biên đến Mỹ. Một lần nữa những người chủ gia đình trải qua cả thập niên lao động cải tạo bắt đầu mở con đường mới. Trong công việc xã hội định cư, đón người mới đến tại San Jose chúng tôi có cơ hội chào mừng trung tá Nguyễn Đình Tạo với 9 năm tù ngục đến đất mới. Và trên con đường gian khổ ông Tạo đã mất đi một đứa con can trường mà ông yêu quý nhất.

Chúng tôi cũng có cơ hội đón bác sĩ Trần Xuân Ninh cũng là một thuyền nhân trên bể khổ. Và ông bà cũng mất đứa con thiên thần đẹp đẽ nhất trên biển Đông.

Cùng với bác sĩ Ninh và trung tá Tạo biết bao nhiêu người cha cựu tù lao cải đã mở đường tìm tự do với cái giá năm ăn năm thua để vội vã ra đi trước khi ánh sáng của chương trình định cư tù cải tạo ló rạng ở chân trời.

Cho đến cuối thập niên 80, bộ ngoại giao Hoa Kỳ bắt đầu mở hồ sơ đối thoại với Hà Nội và việc trả tự do cho các chiến binh Việt Nam Cộng Hòa. Người Mỹ lúc đó cũng chỉ muốn rằng các bạn đồng minh cũ của họ được tự do trở về nguyên quán. Thảo luận trải qua nhiều năm, nhì nhằng kéo dài như hội nghị Paris thời 70. Vì áp lực của Mỹ và thế giới, Hà Nội cũng muốn thả tù nhưng không muốn có hàng trăm ngàn cựu chiến binh Cộng Hòa về nằm vùng khắp mọi nơi. Lá bài được đặt ra. Nếu Mỹ muốn lãnh thì yêu cầu đem đi hết. Hoa Kỳ đồng ý. Đó là thời điểm của 1984.

Để chính phủ Mỹ có thể chấp thuận, bộ ngoại giao phải ra điều trần xin tiền Quốc Hội. Các phái đoàn cộng đồng Việt Nam thời kỳ 80, được bộ ngoại giao mời đến để bày hàng làm áp lực và khóc van với các dân biểu tại Hoa Thịnh Đốn.

Chúng tôi tại cơ quan IRCC và VIVO cùng với các bạn Nam Cali, Hoa Thịnh Đốn, chị Khúc Minh Thơ của Hội Gia Đình Cựu Tù Chính Trị, cùng các tù chính trị vượt biên đã tham dự và cố làm tròn nhiệm vụ.

Sau cùng thỏa ước định cư cựu tù chính trị được ký kết giữa ông Funseth phụ tá thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ và bộ ngoại giao Hà Nội. Những người Cha lao cải lần lượt được trả tự do và phái đoàn Mỹ bắt đầu công việc phỏng vấn suốt 10 năm tại Sài Gòn.

Tại San Jose, chúng tôi được tiếp đón những người Cha VNCH đến San Francisco trên chuyến bay đầu tiên vào đất Mỹ. Đó là ngày thứ Bẩy 13/1/1990 diện H01. Trung úy La Phước Hy về Oakland. Trung úy Hải Quân Bùi Thế Nguyên về San Francisco, Trung Úy Nguyễn Hữu Thức về San Jose. Rồi các đợt kế tiếp đến gia đình đông đảo của Đại tá Lại Đức Chuẩn, thuộc bộ TTM. Gia đình cô đơn với các con còn ở lại của Trung tá Nhảy dù Nguyễn Nghiêm Tôn.

Lần lượt từ 1990 đến 2000, suốt 10 năm đầu, hàng ngàn gia đình đã đến Mỹ. Có gia đình người Cha đi trước, có gia đình người Cha đi sau. Có những đơn vị toàn vẹn, có những đơn vị tổn thất nhưng phần lớn là các người chủ gia đình với trên 3 năm tù đều trở thành tấm vé thông hành tự do cho cả nhà. Cho đến ngày nay cũng vẫn còn những đợt H0 đến muộn.

Năm 1995, Tổng Nha Định Cư Di Dân Tỵ Nạn tại Hoa Thịnh Đốn sau khi phỏng vấn một nghìn gia đình HO đã có một vài kết luận. Hầu hết trả lời là họ ra đi vì tương lai con cái.

Luật định cư trước đây phán rằng nếu chủ gia đình mà qua đời thì hồ sơ cả nhà sẽ bị “xù.” Nhiều người cha đau yếu cố chống với từ thần từng giờ, từng phút để cho con cái được thấy cây cầu Golden Gate ở San Francisco.

Mấy năm trước, ở San Jose đã có những đứa con và những đứa cháu 10 năm chờ đợi, mới được bố điện về nói rằng "chúng mày phải đi chùa cầu nguyện để được McCain vớt".

McCain là tên ông Thượng Nghị Sĩ cựu HO Hoa Kỳ đã đệ trình dự luật nới rộng định cư tù cải tạo mà đa số người Việt đều nhớ ơn.

Tiếc thay văn phòng của ông có cho chúng tôi biết là thư yêu cầu can thiệp thì nhiều nhưng thư cảm ơn thì không có.

Vì vậy, nhân ngày Father's Day năm nay, có lẽ chúng ta cũng nên có đôi lời lịch sự với người bạn HO gốc Mỹ là ông cựu tù binh Hilton Hà Nội là Thượng nghị sĩ McCain. Chỉ cần gửi thank you note về Capitol Hill, Washington DC là thư sẽ đến nơi.

Tuy nhiên, nếu các bạn trẻ theo dõi chương trình Dân Sinh, thì đây là lời tôi muốn nói với các cháu. Trong suốt 10 năm qua, chúng tôi đã gặp khá nhiều cựu chiến binh VNCH, cựu tù cải tạo nhưng rất cô đơn. Các bác đến nhờ cơ quan xã hội giúp đỡ chuyện này chuyện nọ. Khi hỏi đến gia đình, các bác đều không muốn đề cập đến con cái.

Nếu gặng hỏi thì trên mặt cựu chiến binh Cộng Hòa nước mắt tuôn trào. Có người nói là tụi nó bận làm ăn. Hoặc là chán lắm, chẳng nhờ cậy gì được. Đôi khi thì nói rằng thằng con trai tôi thì cũng được, nhưng con vợ trời đánh không chết nên tôi coi như không có.

Hỏi chuyện về chuyến định cư mấy năm trước, ai nấy đều nói rằng gia đình lúc ra đi thì đông đảo về vui vẻ lắm. Tất cả đều nhờ vào cái giấy ra trại của ông già. Tờ giấy màu bụi đất chứng tích của 10 năm đói rét, tù đầy, chợt nhờ nước Mỹ ngó lại, bỗng chốc đưa cả bầu đoàn thê tử qua sống ở đất nước hùng cường. Chỉ mới có vài năm, bọn nhỏ bỏ ông già lang thang xe bus như vậy sao đành.

Đó là lý do tại sao, chúng ta cần liên kết ý nghĩa của Ngày Quân Lực VNCH và Father's Day của Hoa Kỳ. Những người chiến binh anh hùng của chúng ta, nếu quả thực không chiến thắng được trận cuối cùng nhưng cũng trả xong món nợ tù đày, và còn đem tấm thân làm cái vé cho cả nhà lên con tàu tự do đến miền đất mới. Bây giờ còn ai hơn được ông, để đứng ra nhận món qùa của Ngày Father's Day tại Hoa Kỳ.

Chỉ mong rằng những đứa con của ông biết đến lời nhắn nhủ này.

Giao Chỉ, San Jose.

No comments: