Monday, June 23, 2008

Am nhac

Những Bài Tình Ca Vấn Vương Một Thời


Lê Tất Đạt

……………..


Nhạc Việt Nam đến với tôi đầu tiên là bản Quốc ca. Tôi yêu bài hát ấy. Tôi là một thằng bé ngỗ nghịch nhưng mỗi buổi sáng chào cờ nghe bài Quốc ca lòng tôi bỗng dạt dào và tự nhiên đứng nghiêm chỉnh không nhúc nhích. Đó là một câu trong bài luận văn tôi viết năm lớp nhì và được mang ra đọc trong buổi chào cờ trước toàn trường tiểu học Phú Mỹ. Một vinh dự! Ngoài bài quốc ca, bản đầu tiên gây ấn tượng sâu xa và tích tụ trong hồn tôi đó là bản Ngựa Phi Đường Xa của Lê Yên qua tiếng hát của ban hợp ca Thăng Long trình diễn tại Hội Quán Quản Tri gần đầu đường Hàng Bè trước ngày chia cắt đất nước. Ngày đó ca sĩ Hoài Trung làm ngựa hý nghe mê chết luôn vì ông này mặt dài như mặt ngựa. Và tôi cũng mê Thái Thanh từ dạo ấy. Đúng ra tôi mê sản phẩm Bắc hà từ dạo ấy. Nhà tôi bên cạnh một gia đình người Bắc di cư trước 1950. Anh Phạm Quang Ngọc là người lớn hơn tôi chừng vài tuổi, học Nguyễn Du là một người có tài, dưới mắt tôi ngày đó. Làm thơ, đặt nhạc, kể chuyện ciné như thật. Chính anh là người đem văn hoá Bắc hà đến với tôi. Chính anh giải thích cho tôi bản Tình Tự Tin của Phạm Duy chính là Tình yêu, Tự do và Tin tưởng. Chính anh cho tôi chép lại các tập thơ của Xuân Diệu, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Quang Dũng, TTKH, Huy Cận, Chế Lan Viên mà mỗi trang đầu tập thơ anh viết cẩn trọng hàng chữ giở cho khéo kẻo lòng tôi động vỡ mà anh sưu tập. Tôi không biết anh có phải là tác giả câu này không nhưng hồi đó bạn bè anh, một đám Bắc kỳ vẫn thường xuyên tụ tập đàn địch, ngâm thơ và nói chuyện ciné nghe thích lắm. Ở lớp đệ thất đệ lục mà có một ông bạn tài hoa như thế thì cũng hãnh diện lắm chứ phải chơi.Và cũng chính anh, ngày bỏ Huế vào Saigon đã ký tặng tôi tập thơ do anh sáng tác lúc đi học hè Bồ Đề tôi đem ra khoe với Phạm Lương Cơ mà hắn không tin . Anh mê ban Thăng Long, ban Tiếng Tơ Đồng, Mộc Lan, Châu Hà, Kim Tước thì tôi cũng mê theo thôi. Quê chưa, nhưng không sao, nghe riết rồi minh cũng giền luôn mà bỏ quên sản phẩm nhà …Hà Thanh. Tôi cũng chẳng nhớ rõ giữa thập niên 50 đã có sự hiện diện của ca sĩ Hà Thanh chưa vì thuở đó ca sĩ Bắc hà nhiều quá, ngoài những khuôn mặt nói trên còn có ban hợp ca Hạc Thành với Thể Tần, Hồng Hảo, Nhật Bằng và Nhật Ngân, khánh Ngọc. Nam ca sĩ thời đó có Anh Ngọc, Cao Thái.


Nhạc Việt có nhiều bản tuyệt vời lắm chứ.Tôi thích hầu hết các bài ca thời tiền chiến. Trung kỳ (Huế) thì có Nguyễn Văn Thương với Đêm Đông, La Hối (Hội An) với Xuân và Tuổi Trẻ, Phan Huỳnh Điểu (Quảng Nam) với Mùa Đông Binh Sĩ . Nam Kỳ thì có Anh Việt Trần Văn Trọng với Bến Cũ. Bắc Kỳ thì có Văn Cao với Suối Mơ, Buồn Tàn Thu, Thiên Thai; Đặng Thế Phong với Con Thuyền Không Bến; Phạm Duy với Tình Hoài Hương:





Quê hương tôi, có con sông đào xinh xắn

Nước tuôn trên đồng ruộng vắn

Lúa thơm cho đủ hai mùa

Dân trong làng trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê.

Quê hương tôi có con đê dài ngây ngất

Lúc tan chợ chiều xa tắp

Bóng nâu trên đường bước dồn

Lửa bếp nồng, vòm tre non, làn khói ấm hương thôn!

Ai về, về có nhớ, nhớ cô mình chăng?

Tôi về, về tôi nhớ hàm răng cô mình cười ơ ơ ớ!

Ai về mua lấy miệng cười

Để riêng tôi mua lại mảnh đời, thơ ngây thơ ơ ớ ơ ơ ờ!


Quê hương ơi! Bóng đa ôm đàn em bé

Nắng trưa im lìm trong lá

Những con trâu lành trên đồi

Nằm mộng gì? Chờ nghe tôi thổi khúc sáo chơi vơi.

Quê hương ơi! Tóc sương mẹ già yêu dấu

Tiếng ru nỗi niềm thơ ấu

Cánh tay êm tựa mái đầu

Ôi bóng hình từ bao lâu còn ghi mãi sắc mầu!

………


(Saigon 1952)


Chung Quân với Làng Tôi :





Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh

Có sông sâu lờ lững vờn quanh

Êm xuôi về Nam

Làng tôi bao mái tranh sang sát kề nhau,bóng tre ru bên mấy hàng cau

Đồng quê mơ màng.....................









Những bài ca như thế này phải được viết lên bằng xúc cảm tận đáy lòng, phải ôm ấp tình quê hương đầm ấm ngọt ngào trong tâm hồn mới bộc bày những lời lẽ thiết tha và âm điệu nhẹ nhàng dịu ngọt như vậy. Tình Hoài Hương của Phạm Duy hay Làng Tôi của Chung Quân hay đêm Trăng Sáng Trong Làng của Thông Đạt hay Quê Hương của Hoàng Giác thì cũng giống như quê hương của bạn, làng quê của bạn, của tôi dưới những đêm Trăng Thanh Bình (Lam Phương) soi sáng, vang tiếng chày giã gạo. Vậy mà sao chúng ta không nói được gì mấy chục năm xa xứ. Hay cái tiện nghi vật chất thừa thải làm hủ hóa tâm hồn mất rồi. Nhạc ngợi ca tình yêu Việt Nam nhiều lắm nhưng hầu hết không phải viết lên từ nguồn cảm hứng mà từ sự nhồi nặn nên gượng ép, giả tạo nên không sống lâu được.


Những tình khúc tuyệt vời ngày xưa mấy chục năm sau vẫn còn làm người nghe xao xuyến là những bài ca đã vượt qua sự thử thách thời gian: Văn Phụng tình tứ đong đưa với Châu Hà qua Suối Tóc, Cung Tiến ở tuổi học trò mộng mơ thương nhớ với Thu Vàng, Phạm Đình Chương nói lên tình yêu quê hương với Hội Trùng Dương. Đoàn Chuẩn Tư Linh lãng mạn đa tình qua Lá Thư …Nhớ tới mùa thu năm xưa gửi nhau phong thư ngào ngạt hương. Nét bút đa tình lã lơi…, Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay; Tô Vũ với Tạ Từ… Tình anh như thông đầu non,Vời cao trông mây buồn đứng. Muôn kiếp cô liêu Ngàn năm còn yêu Ngọc Bích với bản tango tuyệt diệu Mộng Chiều Xuân, Thông Đạt với Trăng Sáng Trong Làng…Đêm nay trăng sáng soi làng tôi/Một vài cô thôn nữ gánh lúa lo ngày mai…. Hoàng Giác rung động dạt dào với Ngày Về, Quê Hương. Thập niên 50 bản Trăng Mờ Bên Suối của nhạc sĩ Huế mình Lê Mộng Nguyên, cũng phổ biến khá rộng rãi tuy nhiên vì bị đặt lại lời người hẹn cùng ta đứng bên bụi chuối nên không còn nghe tiếng suối nước róc rách trong rừng trăng mờ ảo đâm ra mất thanh tao.


Sau ngày chia cắt đất nước Vũ Thành gửi ước mơ hoài vọng qua Giấc Mơ Hồi Hương và Hoàng Dương đem tâm tình mộc mạc nhớ thương một thành phố thân yêu đã mất qua bài Hướng Về Hà Nội.


Những năm về sau miền Nam có nhiều sáng tác để đời: Phạm Duy với Ao Anh Sức Chỉ Đường Tà, Nghìn Trùng Xa Cách ; Y vân yêu thương dào dạt mênh mông với Lòng Mẹ, thờ thẩn câm nín với Những Bước Chân Âm Thầm; Xuân Tiên giục giã gọi về sum họp bên bếp lửa hồng chan chứa thương yêu với Về Dưới Mái Nhà; Lê Trọng Nguyễn trở về qua thôn vắng tái tê tâm hồn nhớ bóng dáng người yêu đã ra đi với Nắng Chiều; Tuấn Khanh rộn ràng về thăm người yêu khi nắng nhẹ vương trên lưng đồi qua Hoa Soan Bên Thềm Cũ; Hoàng Thi Thơ trở về quê xưa ngỡ ngàng hay tin mẹ hiền đã mất và em gái đã đi lấy chồng với Đường Xưa Lối Cũ; Lam Phương vượt ra khỏi giòng nhạc mộc mạc Nam bộ trong hầu hết ca khúc của ông để xuất thần viết lên một tác phẩm tinh tế, âm diệu tuyệt vời qua tình khúc Chờ Người (Lệ Quyên diễn tả bài này hay lắm) và một bài thơ tuyệt vời của thi sĩ A Khuê đã được một nhac sĩ trẻ (17, 18 tuổi) phổ thành nhạc, đó là bài Về Đây Nghe Em của Trần Quang Lộc. Bài này trong CD Thái Thanh Hải Ngoại 3: Đêm Màu Hồng đã ghi sai tên tác giả là Lê Quang Lộc. Đáng tiếc cái lỗi lầm như vậy rất dễ tránh mà vẫn phạm phải như trường hợp Lê Thu với CD Vọng Ngày Xanh được người ca sĩ này coi…như một tác phẩm để đời mà trong tuyển chọn 10 bài ca thì 2 bài không ghi tên tác giả: Em Chết Theo Ngày Vu Quy và Điệu Buồn. Nếu tôi không lầm thì Em Chết Theo Ngày Vu Quy của Bảo Tô và Điệu Buồn là bài hát hay nhất của nhạc sĩ Thanh Trang. Ba mươi năm sau người Việt mình làm dịch vụ thương mại vẫn còn tính cách thủ công nghệ hoặc xem thường thính giả và tệ nhất là không tôn trọng người đã đem tim óc ra sáng tạo tác phẩm cho mình hát…làm giàu.





Về đây nghe em, về đây nghe em

về đây mặc áo the, đi guốc mộc

kể chuyện tình bằng lời ca dao

kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai

kể chuyện tình bằng hạt lúa mới

và về đây nghe gọi tiếng xưa, để nhớ trong tiếng vỡ bờ

Về đây nghe em, về đây nghe em

về đây thả ước mơ đi hát dạo

để chào đời bằng hạt sương mai

để bằng lòng ngọt ngào hấp hối

Để hận thù người người lắng xuống

rồi tìm nhau như tìm xót xa

trong lúc lệ đã đầy vơi


Này hồn ơi! lên cao lên cao

đem ánh sáng hân hoan trên trời

rọi vào đời cho ta tinh cầu yêu thương

này thịt xương ta chưa mang theo

khi ngã xuống mê man tủi hờn

Và về đây nghe nhau thở dài trong đêm


Về đây nghe em, về đây nghe em

về đây cùng khóc trên sông nước buồn

chở lòng người trở về quê hương

chở hồn mình về dòng suối mát

chở thật thà vào lòng dối trá

Rồi nhặt hoa xin tạ chút ơn

Hạnh phúc khi đã gặp nhau










Lớp tuổi mình giải trí bằng phương tiện gì trong thời điểm đó? Ngoài ciné, sách báo thì mình có phương tiện gì để nghe nhạc không. Chỉ một ít gia đình giàu mới có được một chiếc máy ra-dô mạnh đủ để bắt được đài Pháp Á ở Saigon còn không thì chi nghe được mỗi đài Huế phát thanh giới hạn mấy giờ một ngày. Mấy ai có máy phono quay bằng tay để nghe nhạc Việt trên những đĩa đá 33 vòng dày cộp, nặng trịch. Tôi không nhớ mình có nhiều cơ hội để nghe những bài hát trử tình thời tiền chiến trong thập niên 50 ngoại trừ nghe tại những buổi văn nghệ ngoài trời ở bến Thương Bạc do những nghệ sĩ cây nhà lá vuờng trình diễn trong đó có nữ ca sĩ Mỹ Linh nhà ở đường Võ Tánh với bài tủ Jambalaya. Họa hoằn mới có Đại Nhạc Hội, hoặc thoại kịch từ Saigòn ra trình diễn. Ban Dân Nam với Túy Hoa, Túy Phượng, Túy Hồng và lang quân Lam Phương một trong 3 Sao Băng, hai người kia là Phùng Trọng chơi trống và Lê Duyên chơi mandoline. Đại nhạc hội Hoàng Thi Thơ thì có thần đồng Hoàng Thi Thao độc tấu vĩ cầm Les Yeux noirs, một bài ca của dân du mục Nga đã được tay Tây ban cầm Django Reinhard làm nổi tiếng ở Paris thập niên 30. Thời đó đất nước mình vượng phát, xuất hiện nhiều thần đồng, quái kiệt. Một nữ thần đồng khác là Quỳnh Giao xuất hiện trong phim Đất Lành. Còn quái kiệt, minh tinh thì vô số kể. Như Trần Văn Trạch, Tùng Lâm, Xuân Phát, La Thoại Tân. Minh tinh thì có Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương và đại tài tử quốc tế Kiều Chinh xuất hiện trong Year of Tiger (1964) với Marshall Thompson cứng đơ như khúc gỗ. Thập niên 50, tôi không nhớ rõ miền Nam đã sản xuất đĩa nhựa tân nhạc 33 vòng hay không, tôi chỉ biết có đĩa đá thâu cổ nhạc Nam phần, còn băng cassette thì hồi đó chưa được sáng chế (hoặc có mà chưa xuất hiện ở Viêt Nam) nên rõ ràng là mình không có nhiều phương tiện để thưởng thức nhạc Việt. Từ giữa thập niên 50 mỗi lần Tết đến tôi nôn nao chi lạ. Không phải áo quần mới. Không phải tiền lì xì. Không phải được ba hôm ăn uống phủ phê mà nôn nao vì được xem phim Tết và nghe nhạc Xuân. Tôi yêu nhạc xuân. Từ bản Valse Việt nam đầu tiên Xuân và Tuổi Trẻ của cố nhạc sĩ La Hối đến bản Tango Mộng Chiều Xuân của Ngọc Bích. Từ Bến Xuân của Văn Cao đến Xuân Ca của Phạm Duy. Từ Ly Rượu Mừng của Phạm Đình Chương đến Anh Cho Em Mùa Xuân của Nguyễn Hiền. Cả một bầu trời xuân bát ngát, dịu dàng lã lướt như cánh bướm vờn hoa, ngọt nào đầm ấm như âm thanh tiếng nước sôi tí tách từ nồi bánh tét trên bếp hồng. Cả một khung trời nhung nhớ theo tiếng hát trở về. Cho đến bây giờ mỗi độ xuân về gia đình tôi vẫn rộn ràng những bài ca xuân một tuần lễ trước Tết và vài hôm sau đó. Vậy là tôi cũng yêu nhạc Việt lắm chứ. Vậy mà mai hiền thê hay cằn nhằn, anh nghe mãi loại nhạc léo nhéo ấy suốt ngày mà sao chịu được hay thế (Nhạc léo nhéo ấy là những Concerto for Violin và Orchestra hay Piano). Không những chỉ yêu thôi mà còn mê nữa nhưng có lẽ tôi hơi lọc lựa. Tôi chỉ thích những loại nhạc ngợi ca tình tự quê hương vì loại nhạc này nếu không có xúc đông chân thật thì không thể viết lên được. Nhạc tình, có lẻ, …Anh xin làm đá cuội mà lăn theo gót hài trong Biết Đâu Cội Nguồn của họ Trịnh thì mới đúng gọi là tình si như mối tình Đoàn Dự dành cho Vương Ngọc Yến.Cũng chẳng sao vì cảm quan nghệ thuật lấy gì làm tiêu chuẩn? Cái mà Tây phương gọi là culture bao gồm mọi lãnh vực sinh hoạt cả thể chầt lẫn tinh thần của một xã hội, vì vậy vừa có tính cách đặc thù vừa bao quát. Cho nên đụng vào cái culture của người là một vấn đề rất tế nhị. Nước mắm kho quẹt của mình ngon đáo để nhưng có thằng Tây nào chịu được không? Và chưa chắc mọi người Việt đều hít hà hạnh phúc với mùi vị đó, như hương vị quả sầu riêng nhà tôi vẫn nhắm tít mắt tận hưởng mà tôi lại không thể đến gần. Cái đó là culture, thưởng thức âm nhạc cũng như thưởng thức món ăn thôi, có người nhấp một ngụm trà mà ngủ uẩn biến tan như Trần Kiêm Đoàn (trong Tu Bụi), nhưng cách pha trà của anh công phu lắm, nếu tôi có khả năng làm được như vậy thì chưa đưa chung lên môi cũng ngộ được rồi. Có người nghe một khúc nhạc mà hận thù tan biến. Vì thế tôi lọc lựa cũng phải thôi. Ngoài ba mươi năm nay tôi vẫn thắc mắc tại sao lúc bỏ Bắc vào Nam, dù xa mồ mả tiên tổ nhưng vẫn ở trên đất nước vậy mà thuỏ ấy nhiều người đã nói lên cái tâm tình hoài vọng thiết tha của minh qua Tình Hoài Hương, Hướng Về Hà Nội, Giấc Mơ Hồi Hương; còn với cuộc ra đi nghìn trùng xa thẳm, lưu lạc xứ người trong một hoàn cảnh sinh hoạt văn hóa hoàn toàn xa lạ mà không có ai bộc bạch nổi thương tiếc xa quê. Cũng có vài bài ca thương gió khóc trăng vu vơ, cũng có vài ba ca khúc hẹn về giài phóng quê nhà, cũng có vài ba ca khúc nhớ Saigon ngày xưa anh chờ em đầu hè, cuối ngõ, cũng có vài ba ca khúc nhớ Đà lạt lũng thấp đồi cao, nhớ Huế trăng nước Vĩ Dạ còn đợi câu chờ. Chờ ai? Chờ ông cai bến đò. Bến đò Thừa Phủ em thẹn thùng nghiêng nón làm anh xao xuyến tâm hồn. Vậy thôi sao. Huế mình ở đâu cũng tụ tập ồn ào, ở đâu cũng lao xao chào xáo. Sông Hương mình êm đềm, tuyệt vời, thơ mộng hơn nghìn vạn lần sông Seine. Tháp Linh Mụ mình cao ngất từng xanh, cao hơn trăm lần tháp nghiêng-Leaning Tower Pisa ở Florence mà lại xây năm nghìn năm trước so với Tháp Pisa chỉ mới xây vào năm 1190 thôi. Huế mình cái chi cũng nhất hết. Vang bóng một thời với cung điện, đền đài lăng miếu, với tiếng chuông thiên mụ, với giòng sông tư tưởngcó bờ bên này là bão nổi bon chen tuyệt vọng và bên kia là trầm tư tĩnh lặng tuyệt vời.(Trần Kiêm Đoàn, Tu Bụi, trang 33).

No comments: