Chuyển bài này lên đây để các KBs ngủ trưa cho khoẻ !
Dq`
Ngủ Trưa Đỡ Bệnh Tim
Dược Sĩ Ðỗ Quyên
Theo tài liệu về y tế cộng đồng của Ðại Học Harvard, giấc ngủ trưa có thể giúp chúng ta đỡ bị bệnh đứng tim khá nhiều. Trong số những người ngủ ngày thường xuyên, tỷ số chết vì đứng tim giảm 37% so với những người không chịu "náp". Con số này giảm xuống còn 12% cho những người ngủ trưa không đều đặn, ngày có ngày không.
Dân Hoa Kỳ đang muốn theo gương người dân các xứ nóng, như Nam Mỹ, các xứ vùng Ðịa Trung Hải. mỗi ngày thường ngủ một giấc ngắn sau bữa ăn trưa. Công sở của miền Nam Việt Nam, trước cuối thập niên 1960, vẫn đóng cửa từ 12 giờ tới 2.30 giờ chiều để công chức có thể về nhà ăn cơm và nghỉ ngơi. Ngay tại Paris ngày nay, các dược phòng cũng có quyền đóng cửa nghỉ trưa...
Hai đại học y khoa Harvard (Mỹ) và Athens (Hy Lạp) cùng đại học đã cùng theo dõi sức khỏe của gần 24 ngàn người Hy Lạp từ năm 1994. Họ thuộc cả hai phái nam nữ, tất cả đều khỏe mạnh; được coi như đối tượng để nghiên cứu ảnh hưởng của chuyện có ngủ ngày hay không, ngủ trưa ít hay nhiều. Ban nghiên cứu ghi nhận mọi dữ kiện liên quan tới bệnh tim của 133 người chết trong 6 năm (từ 1994 tới 1999) và họ nhận ra một yếu tố mới: người ngủ trưa (nhất là phái nam) đều đặn ít bị bệnh tim hơn hẳn (37%) người không ngủ trưa! Khi còn đang ở tuổi đi làm, quý vị ngủ trưa mỗi ngày hay lâu lậu ngủ trưa đều ít bị bệnh tim mạch, giảm từ 50 tới 64%, so với những ai chăm chỉ làm việc không nghỉ ngơi! Những người khỏe mạnh tham gia cuộc nghiên cứu của đại học Harvard và Athens đưa tới kết luận trên; trái ngược với kết quả vài nghiên cứu khác tại Do Thái trên những người không có sức khỏe. Ðiều này chứng tỏ, yếu tố căng thẳng (Stress) rất quan trọng trong đời sống chúng ta: nếu làm việc quá độ, quá mệt mỏi và căng thẳng rồi thì dù ngủ trưa bù chỉ giúp ta đỡ mệt chứ không giảm được bệnh tật.
Làm sao để sống khỏe mạnh, có giấc ngủ trưa ngắn, làm việc mà ít căng thẳng tại xứ Hy Lạp hay tại xứ Argentine (nam Mỹ) là chuyện khá dễ dàng; so với những người Âu Mỹ cùng lứa tuổi. Văn hóa và lối sống ưa nhàn của dân các xứ đó cho phép họ có thể ngủ trưa khi còn khỏe mạnh; không chỉ ngủ gục vì quá mệt mỏi.
Trong các xứ kỹ nghệ phát triển, sự chọn lựa để sống giản dị, nhàn tản để có thì giờ cho riêng mình, là một điều không dễ thực hiện. Trong một cộng đồng tranh đua trong công việc, trong tiêu thụ, con người chúng ta thường không có ý thức về sức khỏe và khả năng chịu đựng của cá nhân mình. Nhất là những người di dân mới như người Việt sau Tháng Tư 1975. Không ít người đã bị bệnh tâm thần, tim mạch, tiểu đường v.v... đa số vì không chịu nổi áp lực của cuộc sống tất bật tại Mỹ, so với đời họ đã sống ở Việt Nam trước khi di tản. Giống như chiếc xe đang chạy 30 km, khi qua Mỹ, nó phải ráng chạy theo dòng xe trên xa lộ, 100km (60 miles) mỗi giờ. Ngoài công việc sở, về nhà phụ nữ còn phải làm hết mọi chuyện thay cho chị Năm, chị Bảy giúp việc nhà khi xưa.
Áp lực cứ tăng dần trên thân tâm chúng ta, khi không tỉnh ra để giảm bớt cường độ của stress, người Việt cũng bị đủ các chứng bệnh tim mạch... cần tới thuốc an thần và thuốc ngủ nhiều không kém dân địa phương. Chúng ta hăm hở chạy đua với đồng hồ, không thể đứng lại, dừng lại để nhìn coi mình đang chạy nước rút tới đâu? Tới nhà lầu xe hơi "de luxe" hay tới bệnh tật, đau yếu?
Kể từ thập niên 1990, ngày càng nhiều dân Âu Mỹ có ý thức về lối sống của họ, và họ bắt đầu đi tìm những phương pháp khác để giảm bớt căng thẳng (antistress) thay vì tìm tới dược phòng để mua thuốc an thần. Phong trào đi tập thể dục trong các Gym, tập những phương pháp luyện thân-tâm của Á Ðông như Thiền, Khí Công, Yoga v.v... ngày càng phát triển. Các bô lão Việt Nam sau khi nghỉ hưu, chắc hẳn dễ sống nhàn hơn các cụ người Mỹ. Trong truyền thống xa xưa, tổ tiên ông bà mình thường ca tụng cuộc sống nhàn tản, sống ít nhu cầu để có thì giờ nghỉ ngơi. Ðiều này có thể là một yếu tố khiến cho ông bà chúng ta thường khỏe mạnh cho tới lúc quy tiên, dù quý ngài chỉ ăn uống đạm bạc.
(Dược Sĩ Ðỗ Quyên - Viết theo tin Y tế của MSN)
Wednesday, May 7, 2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment