Lòng yêu nước
Phạm V. H.
Có một dạo, tôi hồn nhiên tán tụng những thành tựu khoa học của thế giới văn minh.Tôi say sưa ca ngợi tiến bộ xã hội ở các nước Âu‒Mỹ.
Tôi không che giấu nỗi niềm khao khát đặt chân đến những miền đất được mệnh danh là xứ sở Tự Do ấy...Không ngờ, có người bóng gió, "Người Việt Nam phải biết yêu nước Việt Nam!"
Tôi hơi bực mình nên đốp lại liền, "Thế nào gọi là yêu nước?"Tịt. Không trả lời được! Chắc người nọ không trơ trẽn đến nỗi nêu lên định nghĩa rằng, yêu nước là PHẢI ca ngợi đất nước Việt Nam tươi đẹp giàu mạnh, nhân dân Việt Nam anh hùng...
Rồi một ngày tôi tỏ ý bất mãn vì sao người Việt học toán rất giỏi mà nền công nghiệp phần mềm í ẹ quá!
Lại phải nghe cái luận điệu tương tự ấy, lần này của một kẻ nhỏ tuổi hơn mình.
Tôi nhẹ nhàng hơn lần trước:‒ Ồ vậy hả? Chú em chắc là người giàu lòng yêu nước chứ không đến nỗi như đám nhóc bây giờ thuộc phim sử Tàu hơn sử Việt. Anh ra trường lâu quá, không nhớ rõ nữa, chú mày thử kể sơ sơ các triều đại chính của Việt Nam từ xưa đến triều Nguyễn xem!
Ú ớ. Tôi thêm một câu hỏi phụ, "Thế Lê Lợi là ở thời Tiền Lê hay Hậu Lê?"
Tắc tị luôn. Tôi cười, "Thế mà cũng dám lên lớp người ta về lòng yêu nước!"
Tất nhiên là sau đó tôi cũng kể sơ lược từ Trưng, Triệu, Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Trịnh‒Nguyễn... chứ không phải chơi trò "tay không bắt giặc" ‒ đem chuyện mình không biết đi hỏi đố người khác!
Sở dĩ ngày khai bút đầu năm mới này lại đi kể những câu chuyện cũ mèm ấy là vì tôi nhận thấy rằng, việc lạm dụng hai chữ "yêu nước" ngày càng trở nên trầm trọng. Để bóp nghẹt tiếng nói đối lập, người ta sẵn sàng chụp cho người bất đồng chính kiến những cái mũ nặng khủng khiếp, nào là "phản quốc", nào là "lật đổ chính quyền nhân dân"...
Lòng yêu nước - Tại sao bạn yêu đất nước này?
Bạn đừng vội đọc tiếp, mà hãy thử trả lời câu hỏi trên theo cách đơn giản nhất. Có thể viết nhanh ra giấy bằng những cái gạnh đầu dòng, hoặc gõ tốc ký vào Notepad, hay chỉ cần nghĩ thoáng qua trong đầu ý chính câu trả lời là được.
Tôi tin rằng mỗi người sẽ có một câu trả lời không giống nhau.
Theo một vài khảo sát nhanh trước đây, phần lớn nêu nguyên nhân: Việt Nam là đất nước giàu đẹp có rừng vàng biển bạc và dân tộc Việt Nam có truyền thống chống ngoại xâm anh hùng.
Có ý kiến nói đơn giản làm con người thì phải yêu đất nước mình thôi. Có người không lý giải nguyên do nhưng khẳng định ai cũng cần phải yêu nước hết.
Nhận thức khác nhau là điều bình thường, và tôi cũng có nhận thức của riêng mình. Xin nhấn mạnh rằng, đây là tôi muốn chia sẻ nhận thức cá nhân để bạn cùng tham khảo, chứ không hề có ý gọi nó là một định nghĩa thế nào là lòng yêu nước:
‒ Tôi yêu đất nước này vì bản thân tôi là một phần trong đó, vậy thôi.
Ông bà cha mẹ tổ tiên tôi đã sinh sống và lớn lên ở đây, từng miếng đất, thửa ruộng, dòng sông... đều có một phần trong việc kiến tạo nên những tế bào của cơ thể tôi hiện tại. Vì thế, xin đừng có ý nghĩ rằng yêu nước là một cái gì đó cao siêu vời vợi, hay yêu nước là đặc quyền chỉ dành riêng cho một nhóm người, một đảng phái nào đó... Yêu nước, trước hết đó là yêu chính bản thân bạn.
Sự thật là như vậy, xin thưa nhỏ (nói bằng tiếng Việt rất khẽ thôi nhé) với các bạn rằng: Việt Nam chưa phải là đất nước giàu đẹp nhất trên thế giới này đâu, và dân tộc Việt Nam cũng chưa hẳn là dân tộc anh hùng nhất trên quả địa cầu này!
Nhưng không phải vì thế mà chúng ta không yêu mến đất nước này, đúng không?Làm sao thể hiện lòng yêu nước?
Một số người thường gán mặc nhiên lòng yêu nước với một hành động hy sinh anh dũng trên chiến trường.
Thật ra, lòng yêu nước được thể hiện bằng nhiều hình thức trên một phạm vi rất rộng. Không nhất thiết phải đổ máu hy sinh, cầm gươm ôm súng xông pha nơi chiến địa mới thể hiện được lòng yêu nước.
Tổ Quốc bao gồm phần lãnh thổ hữu hình, con người và tất cả những giá trị vô hình gắn liền trong suốt chiều dài lịch sử. Như thế, lòng yêu nước bao gồm cả yếu tố thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai.
Chúng ta đã yêu nước mãnh liệt bằng việc ca ngợi truyền thống chống ngoại xâm vẻ vang trong quá khứ!
Chúng đang yêu nước hối hả bằng cách ra sức làm giàu với biện minh "Dân giàu nước mạnh" ở hiện tại!
Vậy chúng ta thử hình dung đất nước này tương lai sẽ ra sao? Các thế hệ mai sau sẽ phải trả món vay nợ từ các ngân hàng khắp nơi trên thế giới là bao nhiêu? Môi trường sống đến lúc đó bị hủy hoại tới mức nào?
Trong thời buổi đạo đức xã hội suy đồi, nghề kinh doanh chức quyền mang lại mối lợi kếch xù, thì việc làm giàu cá nhân có bảo đảm cho đất nước hùng mạnh được hay không?
Xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, chúng ta hãnh diện về truyền thống chống ngoại xâm vẻ vang của ông cha, đó là điều không cần bàn cãi. Thế nhưng, đã mấy ai chịu đặt câu hỏi phản biện cho mặt trái của lớp son kiêu hãnh ấy:
‒ Vì sao chúng bị xâm lăng, vì sao chúng ta bị đô hộ?
Vì thế nước yếu nên mới bị như vậy. Cái chu kỳ "bị đô hộ ‒ giành độc lập ‒ bị đô hộ ‒ giành độc lập..." cứ tái diễn trong hơn 4000 năm lịch sử không đáng làm cho chúng kinh hãi hay sao?
Điều ấy chứng tỏ khiếm khuyết cố hữu của người Việt ta từ xưa đến nay là không chịu tận dụng cơ hội quý báu lúc thời bình để phát triển sức mạnh quốc gia.
Điều ấy đang được lặp lại suốt 35 năm qua!
Chúng ta đã ngủ quá say sưa trong giấc mộng anh hùng đã "chiến thắng vẻ vang hai đế quốc to"!
Giấc mơ ấy lại được tô hồng và đóng khung trong cái ảo giác của thiên đường Cộng sản Chủ nghĩa.
Cho đến khi bị Liên Xô và các nước Đông Âu dội cho mấy gáo nước lạnh vào những năm 1989‒1991, chúng ta vẫn không chịu thức tỉnh. Đảng và Nhà nước ta tiếp tục đưa toàn dân ta ngủ nướng với một giấc mơ mới: "Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN"!
Tác phẩm Nhật bản (400 năm) mô tả "Lòng yêu nước" XHCN Việt Nam
Nguồn: thethreemonkeys. com
Tư bản đỏ Việt Nam thời nay đã làm giàu như thế nào?
Có phải dựa vào tài năng như tỷ phú Bill Gates hay không?
Bao giờ đất nước ta tiến lên CNXH? Hay thực chất đó chỉ là cái bình phong che chắn hành vi trục lợi của một nhóm người?
Chẳng lẽ không có ai thể hiện tinh thần yêu nước trong giai đoạn nguy cấp này hay sao?
Chắc chắn là có, nhưng làm thế nào để nhận ra họ không phải là điều dễ!
Ai là những người yêu nước hiện nay?
Vị tổng thống da màu đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thành công với chiến dịch tranh cử: Chúng ta cần thay đổi (Change We Need). Một quốc gia dẫn đầu thế giới trên nhiều lãnh vực lại ý thức sâu sắc vai trò của việc phải thay đổi, phải cải cách. Đơn giản là họ nhận thức được tốc độ phát triển kinh hồn của kỷ nguyên tri thức.
Chúng ta cũng có người đã ý thức được điều ấy. Tuy nhiên, họ nhận ra mình chỉ là thiểu số. Họ bèn tập hợp nhau lại, thành từng nhóm, tuy tôn chỉ và hành động có chút khác biệt, nhưng tất cả đều chung một mục tiêu là đưa con thuyền Việt Nam chệch khỏi lộ trình hiện tại. Đó là lộ trình đi đến bờ vực của xã hội độc tài, phi nhân quyền.
Vậy họ đâu cả rồi, là những ai vậy?
Chua xót làm sao, những người nổi bật nhất trong số họ đang ở bên kia chấn song của nhà tù. Kẻ đã bị kết án, người sắp bị đem ra xét xử với tội danh "Âm mưu lật đổ chính quyền".
Những lời kêu gọi cải cách ôn hòa chỉ bằng con chữ và lời nói lại có thể đe dọa đến an ninh quốc gia hay sao? Điều ấy chứng tỏ nền an ninh quốc gia này được xây dựng trên căn cứ của bạo lực và không đặt điểm tựa vào lòng nhân.
Quy kết tội danh "lật đổ chính quyền" với vật chứng là ngòi bút, bàn phím hay chiếc microphone khác nào thừa nhận thể chế này là kẻ thù của lẽ phải, là hiện thân của bạo lực.
Không một ai muốn sống trong xã hội thiếu vắng lòng nhân và công lý đến như vậy!
Nếu được đứng vào vị trí của người biện hộ trước tòa, chúng ta có ngần ngại để chìa cánh tay khẳng khái về phía họ, và dõng dạc:
‒ Tôi tin rằng những vị đứng sau vành móng ngựa kia hoàn toàn vô tội, họ là những người yêu nước!
Phạm V. H
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment